Đưa các công trình phòng chống hạn, mặn vào sử dụng càng sớm càng tốt
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:30, 12/01/2020
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tại buổi thị sát quá trình xây dựng các công trình điều tiết mặn, ngọt và phương án phòng chống hạn mặn trong những tháng cao điểm mùa khô 2020, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, vào sáng 10/1.
Buổi sáng, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đi thị sát công trình cống Kênh Nhánh trên địa bàn TP Rạch Giá. Đây là công trình cống ngăn mặt, giữ ngọt, kết hợp với cầu giao thông đô thị.
Khi hoàn thành, cống Kênh Nhánh, cùng với các công trình đã xây dựng trước đó như: Sông Kiên, Kênh Cụt… sẽ đảm bảo điều tiết mặn, ngọt cho cả khu vực TP Rạch Giá, huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất. Đặc biệt là ngăn không cho nước mặn từ biển Tây xâm nhập vào nhà máy nước Rạch Giá, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân.
Nhà máy nước Rạch Giá chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt trên tuyến kênh Tân Hội – Ba Thê (An Giang). Khi nước đầu nguồn đổ về yếu, nước biển rất dễ xâm nhập nếu không có công trình ngăn mặn, do nhà máy này chỉ cách biển có vài km.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo, các đơn vị đại diện chủ đầu tư, đơn vị giám sát, nhà thầu, phải tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Phải xây dựng kế hoạch, ngay sau Tết Nguyên đán, sẽ tiến hành thi công 3 ca/ngày, để đưa công trình vào sử dụng càng sớm càng tốt. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, công trình hoàn thành sớm, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả ngay, càng có ý nghĩa thiết thực hơn.
Nhà máy nước Rạch Giá
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mùa khô năm 2019 – 2020 trên các cửa sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tình hình nước mặn có khả năng xuất hiện sớm, độ mặn cao và lấn sâu vào nội đồng nhanh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng tương đương năm 2016, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ Đông xuân 2019 – 2020 vùng ngọt hóa Gò Công, đặc biệt gây tình trạng thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của nhân dân ở các huyện phía Đông.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện trong những tháng mùa khô năm 2019 – 2020 khoảng 690.000m3/tháng và khả năng đáp ứng của 02 cụm và 04 trạm cấp nước trên địa bàn huyện là 360.000m3/tháng, phần còn lại nhận từ nguồn nước BOO Đồng Tâm. Tuy nhiên, tình hình phân bố dân cư một số nơi thưa thớt không tập trung theo cụm, theo tuyến, số hộ dân sống rải rác theo đất canh tác chiếm khoảng 25% nên việc đầu tư kéo tuyến ống cấp nước gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nguồn nước sinh hoạt cấp cho người dân đã kết nối với dự án BOO nhưng nguồn nước cấp của BOO ở một số khu vực chưa đảm bảo đủ lưu lượng, áp lực, đường ống tiếp nhận từ những điểm đấu nối của BOO nhỏ. Mặt khác, nguồn nước thô sản xuất từ nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm khó xử lý trong khi yêu cầu chất lượng ngày càng cao.
Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, giải pháp tạm thời là nạo vét, vệ sinh các ao chứa để tăng khả năng trữ ngọt cho các ao chứa của các trạm cấp nước trong mùa khô. Tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh nguồn nước, tăng cường trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm. Huyện sẽ chỉ đạo ngành Nông nghiệp mở 53 vòi nước công cộng từ tháng 2/2020 đến hết tháng 5/2020 cho nhân dân ở các khu vực ven biển, ven sông, các hộ sống phân tán chưa có nước từ trạm cấp nước tập trung để sử dụng.
Hân Như (T/h)