Bến Tre: Tái diễn mô hình nuôi tôm biển ngoài vùng quy hoạch
Kinh tế - Ngày đăng : 08:31, 25/12/2020
Tại huyện Ba Tri có hơn 100 trường hợp tái diễn đào ao, thả nuôi tôm thẻ ngoài vùng quy hoạch. Trong đó, không ít hộ dân đào ao trên nền đất lúa trong vùng ngọt hóa, khoan giếng hay bơm nước mặn vào để nuôi tôm biển, tập trung nhiều ở các xã An Hiệp, An Đức, An Bình Tây…
Ao tôm biển ngoài quy hoạch tại tỉnh Bến Tre.
Sông Ba Lai đã được xây cống ngăn mặn, một phần sông Ba Lai dần được khép kín để làm hồ chứa nước ngọt, cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho người dân 4 huyện, thành phố: Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre. Tuy nhiên, thời gian qua, việc người dân vùng ngọt hóa dọc sông Ba Lai ồ ạt nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, xả thải, xả nước mặn trực tiếp ra sông Ba Lai đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt.
Tại một hộ nuôi khác sát sông Ba Lai, đoàn khảo sát đo độ mặn trong ao nuôi tôm là 8‰. Chủ nhà cho biết lấy nước mặn từ sông Ba Lai nhưng theo cán bộ khảo sát thì đoạn sông Ba Lai sát ao nuôi là nước ngọt.
Để ngăn chặn việc người dân tái diễn nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, chính quyền địa phương các cấp từ huyện đến xã đã thành lập ban vận động, tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Ngoài ra, UBND các xã tổ chức cho người dân thực hiện ký cam kết không nuôi tôm biển và trám lấp các giếng khoan nước mặn để nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. Tuy nhiên, vẫn không chấm dứt được tình trạng này.
Tuy nhiên, các đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế thì con tôm đang chiếm ưu thế nhưng nếu nghịch mùa thì con tôm sẽ phá vỡ kinh tế. Về lâu dài, nên cấm người dân khoan giếng nuôi tôm trong vùng ngọt hóa, ngoài vùng quy hoạch. Nếu cấm nuôi thì người dân còn nuôi ít, do đó môi trường còn sạch, người dân nuôi hiệu quả nhưng nếu không cấm nuôi, người dân ồ ạt nuôi thì môi trường sẽ ô nhiễm, dần dần sẽ tự đào thải.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp cùng huyện, xã thông báo cho người dân đến mùa mưa phải đóng lấp các giếng khoan, cam kết không tái diễn việc khoan giếng nuôi tôm. Ngoài ra, cấm không cho người dân hạ thế điện để nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch.
Thực tế cho thấy, việc đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm trong vùng ngọt hóa như ở tỉnh Bến Tre hiệu quả và tính bền vững không cao. Về lâu dài, mô hình này còn ảnh hưởng đến môi trường, đất sản xuất, ô nhiễm nguồn nước ngọt, sẽ dẫn đến lún đất, nhiễm mặn vùng ngọt hóa. Do đó, không vì lợi ích trước mắt của một bộ phận người dân, các cấp chính quyền, ngành chức năng ở tỉnh Bến Tre cần có biện pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng này.
Minh Châu