Bắc Ninh: Tập trung thực hiện sản xuất vụ Đông
Kinh tế - Ngày đăng : 08:00, 05/01/2021
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ kế hoạch sản xuất vụ Đông 2020 phù hợp với điều kiện đất đai, cây trồng, nguồn lực, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đạt mục tiêu toàn diện về quy mô, diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và cân đối cung cầu. Chú ý bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ phù hợp để không ảnh hưởng tới sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021.
Ruộng lúa xanh tốt khi được bón phân hữu cơ được xử lý từ IMO gốc
Xã Việt Hùng (Quế Võ) là một trong những vùng trồng khoai tây lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. Vụ đông năm nay, toàn xã gieo trồng 200 ha cây trồng các loại, trong đó chủ yếu là khoai tây. Những ngày này, ở thôn Guột, mầu xanh của khoai tây đã phủ kín các cánh đồng. Ông Nguyễn Quang Mạnh (thôn Guột, xã Việt Hùng) cho biết: “Vụ đông năm nay gia đình tôi trồng hơn một mẫu khoai tây. Ngay từ đầu vụ, chúng tôi chủ động chuẩn bị nguồn giống tốt và các loại phân bón để chăm sóc cây. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây khoai tây sinh trưởng tốt, thời điểm này cây đang phát triển củ. Theo quan sát của tôi, vụ này khoai tây sẽ cho năng suất cao.
Tại xã Mão Ðiền (Thuận Thành), vụ đông năm nay toàn xã trồng được hơn 50 ha rau màu. Nhiều loại rau xanh như: Hành, súp lơ, cải bắp, cà chua… đã cho thu hoạch, giá bán ổn định. Các loại cây trồng khác như: Ngô, khoai lang, khoai tây… cũng đang được người dân tập trung chăm sóc. Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và nông nghiệp xã Mão Ðiền Nguyễn Mậu Luận, nhờ gieo trồng đúng thời vụ, bảo đảm cơ cấu giống, kỹ thuật, đến thời điểm này hầu hết diện tích cây vụ đông của xã sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, dự kiến cho năng suất cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, từ nay đến hết vụ đông, các đơn vị, địa phương cần chỉ đạo cán bộ kỹ thuật thường xuyên điều tra, thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng, phát sinh gây hại của các loại sâu bệnh rệp, bọ nhảy, sâu xanh, bệnh sương mai hại rau; sâu keo mùa thu hại ngô… từ đó kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Khi xảy ra rét đậm, rét hại, cần tập trung thu hoạch một số loại rau màu đến tuổi khai thác để giảm tổn thất, đồng thời giải phóng đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Ðối với các loại rau màu chưa được khai thác cần tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét; những ngày rét đậm, rét hại cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng. Các loại cây hoa, giống cây lâm nghiệp, người dân cần làm giàn, sử dụng ni-lông để che, hạn chế sương muối gây táp lá.
Minh Châu