Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021
Kinh tế - Ngày đăng : 00:28, 05/01/2021
Sáng 4/1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 1/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ ký ban hành 2 Nghị quyết 01 và 02.
Cụ thể, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng – người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Nghị quyết 01 đưa ra nhận định, năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và thiên tai, đất nước ta vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, góp phần tô đậm thành tựu của cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Tại Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.
Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức 6% Quốc hội giao). Đồng thời, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.
Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đó là, phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH.
Đối với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao VCCI tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02 năm 2021, trong đó xác định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm và thời hạn hoàn thành, nhất là đối với các bộ chỉ số mà nhiều năm chúng ta chưa có tiến bộ, còn nhiều dư địa để cải cách như: Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp…
Để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao VCCI tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02 năm 2021, trong đó xác định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm và thời hạn hoàn thành, nhất là đối với các bộ chỉ số mà nhiều năm chúng ta chưa có tiến bộ, còn nhiều dư địa để cải cách như: Đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp….; có kế hoạch tái cấu trúc quy tình nghiệp vụ để triển khai các dịch vụ công mức độ 3, 4 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội; Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử, tận dụng thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính để tạo thuận lợi trong cung cấp dịch vụ công, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ cũng lưu ý tới tác động đến các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của đất nước trong quá trình tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách liên quan đến doanh nghiệp để cải thiện các chỉ số này trên trường quốc tế.
Trọng Nhân