Cần Thơ: Hỗ trợ nông dân trồng rau màu ổn định giá cả đầu ra
Kinh tế - Ngày đăng : 05:00, 26/01/2021
Sau thời gian bị rớt giá thảm hại, những ngày gần đây giá nhiều lại rau màu đã có khởi sắc tăng trở lại. Song, nhìn chung giá nhiều loại rau củ quả vẫn còn ở mức khá thấp, chưa đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất. Nông dân trồng rau màu rất mong ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để giá cả đầu ra sản phẩm tốt hơn, giúp bà con an tâm sản xuất.
Gần đây giá nhiều loại rau ăn lá, rau ăn quả và rau ăn củ đã giảm hơn 50% so với những tháng trước, xuống còn ở mức rất thấp và có phần khó tiêu thụ nên người sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ðáng chú ý, có nhiều mặt hàng như: cải thìa, bầu, bí, củ cải trắng… được nông dân bán ngay tại rẫy chỉ với giá từ 1.000-4.000 đồng/kg.
Thu hoạch dưa leo ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Giá rau củ quả giảm mạnh do nguồn cung tăng cao và phần lớn các mặt hàng đang tiêu thụ dạng tươi sống tại thị trường nội địa mà chưa được đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu. Gần đây, diện tích, sản lượng sản xuất nhiều loại rau màu tại các địa phương vùng ÐBSCL đã tăng mạnh do nông dân tăng cường sản xuất và gần đây thời tiết, điều kiện sản xuất thuận lợi so với các tháng trước nên rau màu dễ trồng và cho năng suất cao. Theo tiểu thương ở TP Cần Thơ, lượng rau củ quả về các chợ tăng mạnh, trong khi sức tiêu thụ vẫn ở mức bình thường, dẫn đến “thừa hàng, dội chợ” và chuyện giá giảm là rất khó tránh khỏi. Bên cạnh nhiều loại rau củ quả được trồng tại các địa phương vùng ÐBSCL, nguồn cung rau quả tại thị trường TP Cần Thơ còn được tăng cường nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng), cũng như một số tỉnh, thành khác trong nước và có cả nhiều loại rau củ quả được nhập khẩu.
Hiện nay, nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL đã thuận lợi trong sản xuất rau màu nhờ được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng, thủy lợi giúp chủ động nguồn nước tưới tiêu, không lo bị thiếu nước tưới hay sợ rau màu ngập úng trong các tháng mùa lũ. Ðồng thời, ngành Nông nghiệp các địa phương tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ giống cây con để nông dân đưa cây màu xuống ruộng lúa và phát triển đa dạng nhiều chủng loại rau màu và mô hình sản xuất như: luân canh lúa – màu, chuyên canh màu… để phù hợp điều kiện sản xuất từng địa phương. Nhờ vậy, năng lực sản xuất rau màu tại các địa phương vùng ÐBSCL đã nâng cao rất nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch và phân phối, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế. Ðặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân chủ yếu dựa vào thương lái và bán sản phẩm theo giá lên xuống hằng ngày của thị trường, chứ chưa có hợp đồng bao tiêu ổn định của doanh nghiệp và các nhà tiêu thụ. Vì vậy nông dân rất mong ngành chức năng hỗ trợ nông dân trong việc liên kết và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu. Ðồng thời, đẩy mạnh chế biến và nâng cao khả năng bảo quản sản phẩm sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ở cả trong nước và xuất khẩu.
Châu Anh (t/h)