Hà Nội: Đồ uống giả, bánh kẹo tẩy xóa hạn sử dụng tràn lan dịp Tết Nguyên Đán

Kinh tế - Ngày đăng : 03:15, 21/01/2021

Moitruong.net.vn – Cuối năm thị trường bánh kẹo ngày càng sôi động, lợi dùng dịp này nhiều tiểu thương đã sản xuất hàng giả, hàng nhái nhầm thu lợi nhuận cao.

Còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết, nhu cầu sử dụng bánh kẹo của người dân tăng cao lượng bánh kẹo giả cũng xuất hiện nhiều nơi, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thì rất khó để phân biệt được hàng thật và hàng giả.

Càng gần tết thì tại các chợ nhiều cửa hàng, tiệm tạp hoá trưng bày bánh kẹo càng nhiều, gồm cả hàng trong nước và hàng nước ngoài, kể các có nhiều sản phẩm không có nhãn mác được bán với giá rẻ. Hiện tại đã xuất hiện tem giả của các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng trên thị trường bánh kẹo với công nghệ ngày càng tinh vi, người tiêu dùng rất khó để phân biệt.

Liên tục trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội như quản lý thị trường, công an kinh tế đã phối hợp kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, tẩy xóa hạn sử dụng, giả mạo xuất xứ… trên thị trường.

Cụ thể, ngày 23/12, đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá cơ sở sang chiết, giả mạo xuất xứ rượu nước ngoài tại phường Phúc La (quận Hà Đông) do đối tượng Tạ Tiền Mỹ làm chủ.

Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều can rượu loại 20 lít và vỏ chai rượu Black Lào đã được rút lõi.

Chủ cơ sở khai nhận, dùng rượu này để sang chiết sang các bình rượu hình linh vật khác nhau đang được nhiều người tìm mua trong dịp Tết.

Trong khi đó, để sản xuất ra 1 chai rượu chủ cơ sở chỉ mất khoảng 100.000 đồng bao gồm chi phí vỏ chai, hộp đựng và rượu.

Lợi nhuận lớn gấp hơn 10 lần khiến các đối tượng này bất chấp tất cả để sản xuất rượu giả, bán ra thị trường.

Qua kiểm tra trên thị trường cho thấy không chỉ có rượu mới bị làm giả, mà các mặt hàng bánh kẹo cũng được các đối tượng này sản xuất, tiêu thụ với số lượng lớn.

Đội QLTT số 24 kiểm tra Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang chiều 5/1

Cụ thể, ngày 5/1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với lực lượng Công an huyện Hoài Đức đã đột xuất kiểm tra, bắt quả tang Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang (trụ sở chính tại Đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội) do ông Lê Văn Hướng là đại diện theo pháp luật đang chứa, trữ một lượng lớn sản phẩm bánh quy do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu hết hạn sử dụng.

Kiểm đếm thực tế tại cơ sở này, Đội QLTT số 24 ghi nhận hơn 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu “Torku”, có nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã hết hạn sử dụng từ tháng 2/2020 đang được công nhân ngang nhiên “gia hạn sử dụng” bằng máy dập date có sẵn tại doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Đội trưởng Đội QLTT số 24, phải mất một thời gian dài trinh sát, Đội mới bắt quả tang vi phạm của doanh nghiệp này. Hầu hết các loại bánh, kẹo tại đây là hàng nước ngoài, được sản xuất từ năm 2018 và có hạn sử dụng đến tháng 2/2020. Doanh nghiệp này đã tiến hành vứt bỏ vỏ hộp với hạn sử dụng đã hết để chuyển sang một bao bì mới với hạn sử dụng mới dài hơn được in lại từ máy dập date có sẵn.

Để lừa người tiêu dùng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến nông sản Minh Quang đã tiến hành vứt bỏ vỏ hộp với hạn sử dụng đã hết, để chuyển sang bao bì mới với hạn sử dụng dài hơn được in lại từ máy dập date có sẵn.

Để tiêu thụ hàng giả, hàng hết date các đối tượng thường lợi dụng tâm lý người tiêu dùng yên tâm khi mua hàng xách tay, đồ nhập khẩu qua tài khoản Facebook, Zalo cá nhân và kênh bán hàng online nên ít bị phát hiện và xử lý.

Hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, giá 1 gói bánh quy yến mạch Torku vào khoảng từ 55.000-60.000 đồng.

Theo ông Phạm Bá Dục, Phó Chủ tịch Hội chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội, để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra hàng hóa trên thị trường qua đó phát hiện và xử lý các trường hợp bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp cần sớm sửa đổi các quy định của pháp luật để tăng mức xử lý vi phạm, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đưa ra xử lý hình sự qua đó răn đe, giáo dục những đối tượng cố tình vi phạm.

Ngoài ra, xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm như Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì…

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội còn đẩy mạnh phối hợp với ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng.

Theo các chuyên gia kinh tế trong các tháng cuối năm và thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Các đối tượng luôn tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi hơn vì vậy đòi hỏi lực lượng chức năng tích cực vào cuộc ngăn chặn không để tình trạng hàng giả tràn lan trên thị trường.

Người tiêu dùng cũng cẩn trọng khi mua để không phải mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, làm “tiền mất tật mang” ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngọc Ánh (t/h)

Ngọc Ánh (t/h)