Kiên Giang: Trồng dưa lê trên nền đất lúa mùa khô hạn đem lại hiệu quả kinh tế cao

Kinh tế - Ngày đăng : 01:30, 06/04/2021

Moitruong.net.vn – Huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã chủ động chuyển đổi cây trồng xen canh vụ màu trên nền đất lúa đạt hiệu quả cao, trong đó, dưa lê được đầu tư trồng nhiều nhất.

Huyện Vĩnh Thuận được xem là nơi phát triển vùng chuyên canh hoa màu với các đối tượng cây trồng chủ yếu là dưa leo, dưa hấu, đậu bắp, dưa lê…; trong đó, mô hình trồng dưa lê trên nền đất lúa được nông dân xã Bình Minh và xã Vĩnh Bình Bắc đưa vào trồng hơn chục năm, là hướng đi hiệu quả tại vùng này.

Hàng năm vào mùa khô, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, nông dân tại 2 xã Bình Minh và Vĩnh Bình Bắc chọn đất gò cao, xẻ rãnh để dẫn nước và xuống giống dưa lê theo mô hình sản xuất vụ lúa – vụ màu. Hạt dưa nẩy mầm, bò lan trên mặt đất ruộng và nông dân tập trung chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh gây hại…

Dưa lê mang lại thu nhập khá cho nông dân huyện Vĩnh Thuận

Từ khi thông qua hợp tác xã, người dân được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, dần thay đổi theo phương thức trồng thưa, phủ rơm rạ kết hợp với thường xuyên bấm ngọn. Nhờ đó, hạn chế sâu hại tấn công, giảm bệnh héo xanh, giúp cây phân cành tốt cho sai trái góp phần mang lại hiệu qủa kinh tế cao cho bà con.

Từ hiệu quả đạt được, nhiều nông dân xã Vĩnh Bình Bắc đang chuyển sang trồng dưa lê; trong đó có nhiều gia đình áp dụng thành công mô hình hai vụ lúa, một vụ màu; thường xuyên họp thành viên hợp tác xã để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng; ứng dụng sản xuất theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Dưa lê có ưu điểm: Cây khỏe, chống chịu bệnh tốt, cho quả đều, bán được giá. Theo bà con, loại cây này dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng trái khá tốt nên được thương lái thu mua với giá cao. Mỗi công dưa lê, nông dân lãi gấp nhiều lần trồng lúa. Nhiều bà con mở rộng diện tích đất canh tác, từng bước đưa loại dưa này trở thành một trong những giống cây trồng chủ lực tại địa phương.

Qua thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước thay đổi những nhận thức của nông dân trong sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, đặc biệt, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo ra sản phẩm và giữ cho môi trường an toàn.

Ngoài ra, luân canh màu trên nền đất lúa còn rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo lịch thời vụ, từng bước thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là ở những vùng được nhận định là bị ảnh hưởng nắng hạn và nước mặn xâm nhập như xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận.

Minh Châu

Minh Châu