Phấn đấu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, quy mô kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 28/03/2021
Nội dung Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một góc thành phố Hải Dương
Tỉnh tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tái cơ cấu các ngành trong sản xuất nông nghiệp đi đôi với đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; chú trọng phát triển sản xuất theo quy mô công nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất tập trung có hạ tầng đồng bộ, sản xuất sản phẩm sạch; hình thành vùng “nông nghiệp đô thị” gắn sản xuất với cung ứng sản phẩm cho các đô thị lớn trong vùng.
Tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; huy động tổng hợp nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng thiết yếu; hoàn thành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy vùng sản xuất; quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm nông thôn phát triển bền vững. Trong công nghiệp, xây dựng; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và các dự án chế biến nông sản gắn với quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Coi trọng phát triển, nâng cao năng lực và tỷ trọng của các ngành công nghiệp có lợi thế, có giá trị nội địa hóa cao, như: điện tử, viễn thông, thép chất lượng cao, thép chuyên dụng, ô-tô, vật liệu xây dựng mới, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ của ngành cơ khí, dệt may, da giày.
Phát triển công nghiệp với quy mô, trình độ phù hợp với định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh. Quan tâm hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; xác lập quyền sở hữu trí tuệ và quan tâm thực hiện chính sách khuyến công đối với các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các ngành sản xuất trong lĩnh vực xây dựng. Xây dựng chương trình phát triển vật liệu xây không nung; thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công; khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường.
Theo yêu cầu về nội dung lập quy hoạch, định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội hướng đến tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Đồng thời, việc lập quy hoạch đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện…
Châu Anh