Quảng Ninh: Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng
Kinh tế - Ngày đăng : 12:00, 10/05/2021
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian qua ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã chủ động khảo sát sản xuất, khuyến cáo và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp, đem lại kinh tế cao. Qua đó hạn chế được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, đồng thời nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập của người dân.
Những năm gần đây, nhiều diện tích vườn tạp, đất trồng lúa… kém hiệu quả đã được người dân Bình Liêu chuyển sang trồng các giống mới cho năng suất, hiệu quả cao, đồng thời tích cực tham gia những tổ, nhóm, HTX sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học, kỹ thuật. HTX Tân Cường Phát, xã Lục Hồn, là đơn vị mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau trong nhà lưới với diện tích 750m2, đầu tư các hệ thống phun mưa, tưới nước nhỏ giọt, thông gió…
Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở xã Lục Hồn.
Trồng rau trong nhà lưới tương đối kín, ngăn cản được một phần ánh nắng, gió và các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại. Trong quá trình canh tác rau, gần như không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu, phân hóa học, chỉ xử lý nấm bệnh trong đất khi cần. Diện tích có thể trồng gối vụ quanh năm nên sản lượng và thu nhập cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa.
Thời gian qua, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển KT-XH, giảm nghèo, xây dựng NTM. Đặc biệt, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã kết hợp với các địa phương trong tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng cây ăn quả để nâng hiệu quả sử dụng đất và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Việc chuyển đổi này đã được các địa phương hưởng ứng thực hiện và bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, mở ra hướng phát triển mới cho người sản xuất.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2017-2020, trên địa bàn tỉnh đã đăng ký chuyển đổi 441ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và 96ha đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm. Trong đó, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang cây hàng năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chuyển sang trồng các loại rau, ngô, dong riềng, hoa cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa. Một số mô hình tiêu biểu như: Trồng ngô cao sản, ngô sinh khối tại các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa trên 10 triệu đồng/ha; trồng cây dong riềng tại huyện Bình Liêu cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa trên 25 triệu đồng/ha/năm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm (cây ăn quả) nổi bật như trồng vải chín sớm tiêu chuẩn VietGAP tại TP Uông Bí cho thu nhập bình quân trên 270 triệu đồng/ha/năm; trồng ổi tại TP Hạ Long cho thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/ha/năm đã góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Để thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhằm có những mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả, các ngành chức năng của Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, đưa các cây con, giống mới vào sản xuất; chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể phù hợp với cơ sở để tổ chức thực hiện. Mặt khác, huyện đã thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất; huy động sự hỗ trợ từ các đơn vị trên địa bàn giúp đỡ người dân phát triển mô hình kinh tế…
Mặc dù hiện nay việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ, lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để hoàn thành mục tiêu này, Sở NN&PTNT có kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung chuyển đổi; xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất…
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị… nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hà Thanh