Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn gay gắt hơn so với mọi năm
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 06:30, 03/01/2020
Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều, từ khoảng tháng 3/2020, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia – đầu châu thổ Mê Kông) sẽ tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây.
“Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 1,2; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3/2020. Từ nửa cuối tháng 3-6/2020, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần” – Ông Dũng nhấn mạnh.
ĐBSCL đang đối diện với nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016.
Những ngày qua, mặn đã xâm nhập vào sâu trong đất liền từ 40km đến hơn 60km, ảnh hưởng đến 7 tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Long An. Dự báo cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn là 3 tháng đầu năm 2020, tại các cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, sông Hậu, sông Cái Lớn ranh mặn sẽ vào sâu trong nội đồng từ 60 – 110km, sâu hơn năm 2016 tới gần 10km, tác động tới 10 trong số 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Tổng diện tích tự nhiên của vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn sẽ cao hơn năm lịch sử năm 2016 khoảng 50.000 ha.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ khuyến cáo các địa phương, người dân cần theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết, độ mặn để có kế hoạch trữ nước, phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Huyền Nhung (T/h)