Hà Nội: Thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn
Kinh tế - Ngày đăng : 00:30, 09/06/2021
Thực tế ngay từ trước khi Nghị định số 52 được ban hành, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Đơn cử như: Quyết định số 554/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội giai đoạn 2010 – 2020; Quyết định số 14/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề TP Hà Nội…
Sở Công Thương Hà Nội có nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn
Sau khi Nghị định số 52 được ban hành, UBND TP đã sớm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Khẩn trương rà soát, xác định có 4 nhóm ngành nghề của Hà Nội được quy định tại Nghị định số 52, từ đó có định hướng hỗ trợ phát triển phù hợp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn TP có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Những năm qua, các làng nghề có sự tăng trưởng khá nhanh về doanh thu và giá trị sản xuất. Nhiều sản phẩm làng nghề đã được UBND TP công nhận là sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp mang lại doanh thu lớn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng vạn lao động nông thôn.
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, trên địa bàn thành phố có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 3.204,31ha. Tính đến tháng 6-2020, có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã với khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, nộp ngân sách khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, tổng số lao động khoảng 60.000 người. Theo quy hoạch, tổng diện tích của 70 cụm công nghiệp là 1.686ha, trong đó, hiện trạng có 1.392 ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Còn lại khoảng 294ha cần đầu tư hạ tầng bổ sung, hoặc thực hiện giai đoạn 2.
Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, trên địa bàn thành phố chỉ có 4/70 cụm công nghiệp được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật. Nhiều cụm chưa đảm bảo về yêu cầu giao thông, nguồn nước phục vụ PCCC, không được trang bị hệ thống PCCC. Còn về xử lý nước thải, trong số các cụm đang hoạt động có 42 cụm công nghiệp cơ bản lấp đầy, hoạt động ổn định, trong đó có 26/42 cụm đã có trạm xử lý nước thải, 16/42 cụm chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải.
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cho các mục tiêu phát triển. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề.
Hà Nội cũng hướng đến việc hoàn thiện, tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa đồng bộ tại các làng nghề nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Đồng thời, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một nóng hiện nay.
Hải Châu