Quảng Ninh: Bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản
Kinh tế - Ngày đăng : 03:30, 02/06/2021
Với hơn 250km đường bờ biển, vùng vịnh có nhiều hòn đảo lớn nhỏ, ngư trường đánh bắt rộng lớn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều thế mạnh để phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm dần. Trước thực trạng này, để tái tạo, bảo vệ và phát triển NLTS, khai thác thủy sản bền vững, tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp.
Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương ven biển như: TX. Quảng Yên, huyện Hải Hà, TP. Cẩm Phả, huyện Đầm Hà tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại để giải thích, vận động ngư dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định, chính sách của Trung ương và của tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhận thức của người dân, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái đã có sự chuyển biến rõ rệt, người dân đã ý thức về việc giải cứu và thả về tự nhiên các loài thủy sinh vật quý hiếm.
Một trong những giải pháp mà Quảng Ninh quyết tâm thực hiện để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững đó là xây dựng một ngư trường xanh với nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ ngư dân đang hàng ngày bám biển. Tuy vậy, để có được một ngư trường xanh mang tính bền vững cần giải quyết được những khó khăn, mâu thuẫn mang tính xung đột. Đó là, sản lượng khai thác thủy sản tăng lên theo từng năm gần đây, trong khi trữ lượng nguồn lợi thủy sản lại suy giảm nhiều so với những thập kỷ trước, dẫn đến ngư dân thường xuyên hoạt động nghề và sử dụng ngư cụ cấm để tăng sản lượng đánh bắt, bất chấp các quy định pháp luật về khai thác thủy sản.
Điều này, gây sức ép lớn cho nguồn lợi và môi trường thủy sản tại vùng biển ven bờ và khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho ngư dân về ý thức chấp hành quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Để thay đổi nhận thức của ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, in, phát tờ rơi, băng rôn, pano về các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là cán bộ quản lý thủy sản, các tổ chức chính trị – xã hội thị xã, các phường, xã, chủ tàu cá, ngư dân, học sinh, thanh thiếu niên, nhất là vùng có nhiều người khai thác thủy sản. Tỉnh tổ chức các hội nghị đối thoại, gặp gỡ, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản; tổ chức cho 100% các chủ tàu cá công suất từ 90CV trở lên ký cam kết không sử dụng các ngư cụ khai thác theo hình thức hủy diệt… Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho ngư dân về ý thức chấp hành quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Minh Kiên