Bắc Kạn: Phát triển nông, lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 03:00, 19/07/2021
Là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc Bộ, Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên là 485.996,0 ha trong đó, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 417.538,67 ha (chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên).
Để tận dụng lợi thế này, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia tích cực của nhân dân, những năm gần đây, ngành nông, lâm nghiệp (NLN) của tỉnh Bắc Kạn đã có những bước khởi sắc và đang chuyển dần từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội. Lâm nghiệp được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bắc Kạn lấy lĩnh vực NLN làm trọng tâm nghiên cứu, ứng dụng theo phương châm chọn, đặt hàng, xét duyệt chặt chẽ, có quy chế ứng dụng, nhân rộng. Lựa chọn các hợp tác xã, nhóm hộ, tổ hợp tác cùng tham gia nghiên cứu, ứng dụng để họ có thể áp dụng được ngay. Tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu KHCN bám sát đề xuất của địa phương theo hướng liên kết sản xuất, chuỗi giá trị.
Cây chè được tỉnh Bắc Kạn khuyến khích, định hướng và hỗ trợ để nhân dân sản xuất theo hướng hữu cơ
Tháng 3/2021, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo tập trung phát triển ngành nông nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy nền kinh tế; khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hướng chủ đạo được xác định là phát triển sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, đổi mới quan hệ sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị. Ðiểm mới nữa là việc Bắc Kạn xác định phát triển NLN gắn với hoạt động du lịch, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm đặc sản, hữu cơ.
Ba trục sản phẩm chủ chốt được Bắc Kạn xác định trong giai đoạn tới, gồm: trục sản phẩm quốc gia, trục sản phẩm địa phương và trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu. Trục sản phẩm quốc gia tập trung phát triển sản phẩm gỗ, chế biến gỗ và vùng nguyên liệu dược liệu với mục tiêu duy trì 100 nghìn ha rừng, trồng mới 550 ha dược liệu. Trục sản phẩm địa phương tập trung trồng 800 đến 1.000 ha dong riềng, chế biến thành phẩm 4.800 tấn miến/năm; có 7.000 ha cây ăn quả, 25 trang trại chăn nuôi. Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu tập trung các cây có giá trị cao, như: Rau, củ, quả, nấm, gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo… Các trục sản phẩm được phát triển thông qua các chuỗi liên kết lớn theo ngành hàng đã xác định.
Tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa tại thành phố Bắc Kạn, các huyện Bạch Thông, Chợ Mới để tạo động lực và thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh công tác trồng rừng đảm bảo về chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng công tác trồng lại rừng sau khai thác. Tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây đa mục đích có giá trị kinh tế cao và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Khuyến khích các mô hình liên doanh, liên kết giữa các chủ rừng với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trồng rừng phải gắn với công nghiệp chế biến lâm sản.
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Có chính sách để thu hút, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân (hợp tác xã, doanh nghiệp) đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung với số lượng lớn và sản xuất theo chuỗi giá trị. Có cơ chế, chính sách cụ thể cho người trồng rừng gỗ lớn, người bảo vệ rừng là rừng tự nhiên (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất).
Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình. Tiếp tục chỉ đạo các ngành giúp đỡ các địa phương, tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo, mô hình tạo việc làm tại nông thôn có hiệu quả.
Minh Anh