Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản vào năm 2030

Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 25/08/2021

Moitruong.net.vn – Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Đề án đặt mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Đề án, mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%. Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên. Mục tiêu tiếp theo là hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.

Cùng với đó, giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 – 45.000 tỷ đồng; góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 – 16 tỷ USD.

Ảnh minh họa

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ cần thiết, Một là, tổ chức thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.

Hai là, thu hút đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả chế biến thủy sản. Theo đó, thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; nâng cao năng lực chế biến, trình độ công nghệ đối với các cơ sở chế biến tiêu thụ thủy sản trong nước, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến thủy sản.

Ba là, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, cá ngừ); đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ cá ngừ, rong tảo biển và phụ phẩm; tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành thực phẩm, hoá dược.

Bốn là, phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản. Ưu tiên xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các thị trường trọng điểm; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực. Tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường, cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia và từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm, rào cản kỹ thuật, thuế quan… để cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp chế biến thủy sản làm căn cứ cho định hướng phát triển…

Năm là, tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biế. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khai thác, nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, vận chuyển chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đáp ứng yêu cầu về quản lý nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm…

Hoàng Lam

Hoàng Lam