Khánh Hoà: Người dân Vạn Ninh nuôi tôm trên ao lót bạt để bảo vệ nguồn nước ngọt
Kinh tế - Ngày đăng : 02:00, 12/08/2021
Xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản rất lớn vì có bờ biển chạy dài khoảng 9 km ôm bọc vùng đầm Vụng Trân. Chính vì thế những năm qua người dân tại địa phương đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt nhanh chóng.
Theo ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, toàn xã hiện có khoảng 52 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt và 10 ha nuôi ốc hương. Những năm gần đây việc nuôi tôm trên địa bàn cho năng suất đạt khá cao, từ 30-35 tấn/ha/vụ, mỗi năm người dân thả nuôi 3 vụ.
Theo ông Khánh, hiện nay trong xã có 80 – 90% số hộ nuôi tôm có lãi, song lãi không cao do thị trường đầu ra không ổn định, chi phí thức ăn, con giống tăng cao. Theo tính toán, giá thành 1 kg tôm thương phẩm hết khoảng 75-80 ngàn đồng/kg, trong khi xuất bán giá từ 90-95 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tiến, một người nuôi tôm ở thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ xác nhận những năm qua bà con nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt trên địa bàn đều hiệu quả.
Như gia đình ông có tổng diện tích 6.000 m2, trong đó 2 ao nuôi 1.000 m2 và 1.400 m2, số diện tích còn lại là ao lắng và ao xả thải. Mỗi năm nếu nuôi thuận lợi cho lãi vài tỷ đồng, nhưng có năm bị thua lỗ do ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh. Tuy nhiên tính ra lãi nhiều hơn lỗ, bình quân mỗi năm ông bỏ túi 700-800 triệu đồng tiền lãi.
Xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt. Ảnh: KS
Cũng theo ông Khánh, sở dĩ bà con nuôi tôm trên địa bàn có lãi, bởi thời gian qua đã chú trọng các yếu tố như lựa chọn con giống tốt, có thương hiệu, xử lý nguồn nước nuôi đảm bảo và việc sử dụng thuốc trong nuôi trồng thủy sản đúng cách để cải tạo môi trường nuôi tốt. Bên cạnh đó, bà con nuôi lâu năm nên có kinh nghiệm, cũng như nắm rõ kỹ thuật nuôi tôm.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đánh giá, thời gian đầu việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt ở xã Vạn Thọ đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, dịch bệnh ít xảy ra, năng suất cao có thể đạt 30 tấn/ha. Tuy nhiên, những năm gần đây do dịch bệnh tại vùng nuôi này xuất hiện làm năng suất giảm, hiệu quả kinh tế không còn cao như trước.
Bên cạnh đó, hầu hết các hộ nuôi tôm ở vùng nuôi này có giếng khoan khai thác, sử dụng nước ngầm để nuôi tôm. Điều này gây nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm tại địa phương, làm nhiễm mặn nguồn nước ngọt…dẫn đến các hệ lụy về môi trường. Do đó, Chi cục không khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm sử dụng nước ngầm để nuôi tôm.
Liên quan vấn đề này, ông Khánh, cho biết thêm trước đây nuôi trên ao đất, bà con trên địa bàn có sử dụng giếng nước ngọt. Tuy nhiên từ ngày nuôi tôm trên ao bạt thì bà con không còn bơm nước ngọt trong lòng đất để nuôi tôm nữa, mà thay vào đó khoan giếng lấy nước từ ngoài biển, cách ao nuôi khoảng 300-400m gần mép nước thủy triều. Sau đó, nước được bơm vào hồ lắng xử lý vi sinh, sau khi đạt chuẩn mới bơm vào hồ nuôi.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác nước ngầm để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 2 xã Vạn Thọ và Vạn Thạnh. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở TN-MT tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước đúng quy định của pháp luật và các chỉ đạo của tỉnh, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh để đảm bảo tài nguyên nước được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
PGS.TS Võ Văn Nha – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nước ngầm là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá; nếu chúng ta khai thác không kiểm soát thì có thể khiến cả vùng bề mặt nước sẽ bị mất, dẫn đến khô hạn và lan qua nhiều vùng xung quanh. Nước ngầm cạn kiệt sẽ làm thay đổi cấu trúc của nền đất và dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn. Với hạn mức khai thác nước ngầm UBND tỉnh đặt ra không vượt quá 10m3/ngày đêm, để kiểm tra hạn mức khai thác, các cán bộ ở địa phương có thể thực hiện thường xuyên dựa vào hiện trạng từng hộ nuôi. Ví dụ, hộ nuôi với diện tích 3.000m2, độ cao 1,5m, có thể tính được ao đó có dung tích khoảng 4.500m3 nước ngầm. Với lượng nước đó, dựa vào quy trình công nghệ nuôi mà hộ đó đang sử dụng (hoặc không sử dụng công nghệ) là thay nước với mật độ bao nhiêu ngày một lần thì sẽ tính ra được lượng nước ngầm có vượt quá quy định hay không.
Hoàng Minh