Thủ tướng tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn

Kinh tế - Ngày đăng : 04:10, 26/09/2021

Moitruong.net.vn – Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 26/9.

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng rưỡi qua, Thủ tướng đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong bối cảnh Chính phủ đã xác định sẽ sống chung với dịch Covid-19.

Dự Hội nghị tại trụ sở Chính phủ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Dự Hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư tỉnh Ủy, thành Ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức và 1.200 đại biểu đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

Mở đầu Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, bày tỏ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã sát cánh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19 và nỗ lực duy trì, phát triển kinh tế – xã hội.

Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.

“Sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Chúng ta làm được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng cho biết.

Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

“Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị đề xuất tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp lần này cho biết, quyết tâm của Chính phủ là không để kinh tế suy giảm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, chống dịch trong sản xuất kinh doanh và ổn định dân sinh.

Gần hai năm chống dịch, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ, các bộ ngành đưa ra nhằm vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đầu tháng 9, Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành với loạt điểm mới được các doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn họ đang phải đối mặt, để thích ứng dần với tình hình dịch bệnh.

Điều này được thể hiện qua khảo sát của VCCI, trong đó 81,4% hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã đồng ý với nhận định các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Ngược lại, chỉ 3% không đồng ý.

Thủ tướng trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại cuộc đối thoại ngày 8/8. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, trong báo cáo chuẩn bị Hội nghị, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn phản ánh của các doanh nghiệp cho biết vẫn còn những nút thắt trong thực thi Nghị quyết 105, gây cản trở doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Chẳng hạn, việc thiếu thống nhất ở một số địa phương, thủ tục phức tạp, điều kiện đưa ra để tiếp cận chính sách chưa phù hợp thực tế nên tỷ lệ doanh nghiệp được hỗ trợ về thuế, tín dụng hay cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 105 còn thấp.

Nêu cụ thể hơn, khảo sát của VCCI về thực thi Nghị quyết này cho thấy, thủ tục hành chính vẫn là cản trở lớn với các doanh nghiệp trong dịch bệnh. Ở một số địa phương, việc di chuyển bị kiểm soát bởi giấy đi đường nhưng thủ tục xin cấp lại khá phức tạp. Doanh nghiệp muốn xin giấy đi đường cho lượng nhỏ lao động cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp bảng lương của cả doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng, thuận tiện và giảm gánh nặng thủ tục hành chính.

Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh, tất cả cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương cần chấp thuận hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nghị quyết 105 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tự test Covid-19, tự chịu trách nhiệm nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn về việc này. Chi phí xét nghiệm hiện là gánh nặng với doanh nghiệp nên việc được tự xét nghiệm giúp giảm đáng kể chi phí.

Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Bộ Y tế và các cơ sở y tế cần sớm ban hành hướng dẫn tổ chức xét nghiệm. Việc xét nghiệm nhanh chỉ nên thực hiện bằng chọn mẫu ngẫu nhiên với các nhóm có nguy cơ cao, tránh xét nghiệm toàn bộ quá thường xuyên, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng đề nghị đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động để cho phép họ quay lại làm việc khi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Đồng thời, cho phép cơ chế tiêm phòng vaccine dịch vụ để doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch bệnh…

Về lưu thông hàng hoá, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất chung với các bộ, ngành và địa phương, tránh tình trạng “cát cứ” mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giá thành. Chính phủ giám sát để không địa phương nào được phép ban hành thêm quy định riêng. Còn các địa phương thường xuyên nắm bắt phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xử lý bất cập trong thực thi chính sách.

Về dòng tiền, trước khó khăn hiện tại, doanh nghiệp đề nghị ngành ngân hàng cho phép được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả, miễn giảm phí, không phạt trả chậm, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng để họ có thêm thời gian trả, khắc phục nợ xấu.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành các gói vay lãi suất 0% hoặc rất thấp trong thời hạn 3-6 tháng để hỗ trợ họ trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Mở rộng diện xem xét vay tín chấp với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến vì đây là khó khăn chính về thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhắc tới mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là cần một hướng dẫn chi tiết các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới. Kế hoạch mở cửa, phục hồi kinh tế cần được Chính phủ phác thảo rõ, để doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Điều này phù hợp với bối cảnh khi Chính phủ đã xác định sống chung với Covid-19, thay vì mục tiêu “zero Covid-19” trước đây.

Dự kiến, chương trình phục hồi kinh tế bền vững tới năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, sẽ được Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng 10 tới.

Trước mắt, Bộ này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh sớm nhất.

Còn các địa phương xây dựng, công bố kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa, cũng như cùng doanh nghiệp thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch và điều kiện thực tế; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.

Khôi Nguyên

Khôi Nguyên