Giảm phát thải nông nghiệp ở Ireland vẫn là bài toán chưa có lời giải
Kinh tế - Ngày đăng : 03:00, 17/09/2021
Tìm cách cắt giảm lượng khí thải đó là cách tốt nhất giúp Ireland đáp ứng mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, việc thu hẹp số lượng đàn gia súc đó có nghĩa là Chính phủ sẽ phải thực hiện một cuộc vận động mạnh mẽ các trang trại nơi có nhiều cộng đồng nông thôn vốn không thích thú với việc bị ‘dạy’ cách sử dụng đất.
Brian Rushe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Ireland cho rằng, đưa ra ý tưởng giảm số lượng đàn gia súc thì dễ vì đó chỉ là nói, nhưng làm thì khác.
Các trang trại của Ireland có quy mô nhỏ hơn và quyền sở hữu cũng phân tán hơn so với các nước phát triển có ngành nông nghiệp chiếm ưu thế. Theo số liệu của Chính phủ, có hơn 130.000 trang trại với quy mô trung bình là 32 ha, so với 55 ha ở Pháp và Đức. Đàn bò sữa trung bình của Ireland có ít hơn 100 con, bằng một phần tư so với đàn bò ở New Zealand.
Những trang trại nhỏ do gia đình tự quản này thường không mang lại nhiều lợi nhuận và nhiều chủ sở hữu có công việc khác thứ hai để bổ sung thu nhập. Nhưng họ vẫn tiếp tục điều hành các trang trại vì mối quan hệ tình cảm sâu sắc của họ với đất đai.
Trong nhiều trường hợp, gia đình của họ phải mất nhiều thế hệ mới giành được quyền kiểm soát các mảnh đất, bao gồm cả việc giành lại các điền trang từ các chủ đất người Anh sau khi Ireland giành được độc lập từ Vương quốc Anh. Trung bình, một mảnh đất của Ireland chỉ được bán khoảng 400 năm một lần.
Chính phủ nước này đang làm nhiều cách để đạt mục tiêu khí hậu, cố gắng khuyến khích nông dân biến đất đai của họ thành bể chứa carbon bằng cách tham gia chương trình trồng cây, thay vì phạt họ do gây ô nhiễm – giống cách tiếp cận New Zealand đang xem xét.
Mục tiêu của chính phủ là thêm 8.000 ha rừng mỗi năm sẽ hấp thụ 21 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2030. Con số đó sẽ chiếm khoảng 4/5 lượng CO₂ Ireland phải loại bỏ khỏi bầu khí quyển để đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải 51% vào cuối thập kỷ.
Chính phủ Ireland khó khăn để vừa đạt các mục tiêu khí hậu vừa có thể bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa và thịt bò đang phát triển. Ảnh minh họa: Flickr
Nhưng ngay cả những nông dân chấp nhận lời đề nghị của Chính phủ cũng phải vật lộn để đảm bảo các thủ tục giấy tờ phù hợp để bắt đầu trồng cây. Theo Dermot Houlihan, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Lâm nghiệp Ireland (IFA), hệ thống giấy phép đã trở nên rắc rối với nhiều đơn đăng ký còn tồn đọng.
Houlihan cho biết, diện tích trồng mới năm ngoái là thấp nhất kể từ năm 1935, không kể giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Coillte, cơ sở kinh doanh lâm nghiệp thương mại quốc doanh, chỉ có 2.000 ha rừng được trồng thêm vào năm ngoái. IFA ước tính khoảng 6.000 giấy phép trồng cây chưa giải quyết.
Houlihan nói: “Chương trình trồng rừng đã sụp đổ. Nông dân đã mất hứng thú với việc trồng cây vì những khó khăn trong việc đối phó với các Đề án Dịch vụ Lâm nghiệp và những khó khăn khi được phê duyệt trồng cây ngay từ đầu. Nhiều người không còn coi trồng rừng là một lựa chọn nữa”.
Chính phủ đã và đang tìm cách cải thiện quy trình cấp phép, nhưng cam kết lâu dài vẫn còn bị hoài nghi. Những nông dân đã đăng ký phải trồng lại cây nếu họ chặt bỏ và sau này không được phép chuyển sang trồng trọt.
Giải quyết phát thải từ nông nghiệp, chiếm 15% lượng khí nhà kính toàn cầu, là một vấn đề cấp bách mà không có giải pháp dễ dàng. Các công nghệ giảm phát thải khí mêtan từ bò vẫn còn đang thử nghiệm và không có giá rẻ trên quy mô lớn.
Gerry Boyle, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Nông nghiệp và Thực phẩm của Ireland, còn được gọi là Teagasc nói với các nhà lập pháp vào tháng 4 rằng, “các nghiên cứu khoa học hiện tại cho thấy giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp của Ireland thông qua các phương tiện kỹ thuật là một thách thức”.
Chăn nuôi động vật gây ra hơn một phần ba lượng khí thải của Ireland và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã nói rằng, quốc gia này có thể “đi đầu” trong việc giải quyết vấn đề.
Chính phủ Ireland sẽ công bố Kế hoạch Hành động Khí hậu vào mùa thu này mà Thủ tướng Micheal Martin đã nói, sẽ phản ánh tham vọng lớn hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải sau khi một báo cáo mang tính bước ngoặt của Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cấp thiết của việc cắt giảm lượng khí thải mêtan.
Minh Trang