Giải pháp để ngành thủy sản vượt qua cơn sóng của cuộc khủng hoảng khí hậu

Kinh tế - Ngày đăng : 00:30, 19/11/2021

Moitruong.net.vn – Hành động quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện để giúp các đại dương ứng phó với biến đổi khí hậu là làm cho ngành thủy sản phát triển mạnh và bền vững, thông qua một số nguyên tắc như khả năng chống chịu khí hậu, cải thiện sức khỏe hệ sinh thái…

Đây là nội dung được các chuyên gia trong lĩnh vực khí hậu và thủy sản nhấn mạnh tại Tọa đàm “Vượt qua cơn sóng khí hậu: Làm thế nào để đảm bảo ngành đánh bắt thủy hải sản” do Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tổ chức, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thủy hải sản đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với dinh dưỡng, an ninh lương thực và sinh kế của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu hiện đang đe dọa sự an toàn của các hệ sinh thái biển và ven biển cũng như ngư nghiệp.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam không chỉ là vựa lúa mà còn đóng góp 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước. Nhưng khu vực này cũng đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành ngư nghiệp những năm qua.

Đại biểu tham dự hội thảo tại Hà Nội

Từ đàu cầu Mỹ, Tiến sĩ Kendra Karr, Phòng Nghiên cứu & Phát triển, Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) chia sẻ: Việc phát triển ngành ngư nghiệp có thể thích ứng với khí hậu là hành động quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện để giúp các đại dương đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Từ đó bà Kendra đã chia sẻ 5 nguyên tắc chính cần thiết để phát triển ngành ngư nghiệp thích ứng với thách thức biến đổi khí hậu gồm:

Quản lý và quản trị thủy sản: Công tác quản lý dựa trên cơ sở khoa học giúp cải thiện hiệu suất của ngành thủy sản. Khoa học cho thấy sự thay đổi quản lý dựa trên cơ sở khoa học tạo điều kiện cho việc thích ứng với thay đổi. Điều này đòi hỏi những yếu tố cơ bản trong ngành thủy sản như quản trị tốt, quản lý mang tính thích ứng và năng lực.

Về công tác quản lý mang tính thích ứng trong lĩnh vực đánh bắt ghẹ xanh ở Indonesia, quốc gia này đã cấm thả lưới đánh bắt dưới đáy biển, quy định mùa không đánh bắt để giảm thiểu việc đánh bắt con non, giới hạn việc đánh bắt trong mùa sinh sản…, bà  Kendra nói thêm.

Lên kế hoạch cho những thay đổi: Áp dụng khoa học để dự đoán sự thay đổi về đặc điểm phân bổ và mức độ dồi dào của nguồn cá. Bởi lập kế hoạch cho những thay đổi này nhằm giảm thiểu các tác động bát lợi và hỗ trợ ngư dân trong việc ứng phó. Đồng thời, việc quan trọng là cần dự báo khí hậu.

Tăng cường hợp tác xuyên biên giới: Cần xác định đặc điểm trong sự thay đổi của các loài giữa các quốc gia. Việc hợp tác để giảm thiểu rủi ro đánh bắt quá mức và các kết quả không công bằng.

Cải thiện sức khỏe hệ sinh thái: Xem xét các thành tố kinh tế – xã hội và hệ sinh thái bao quát hơn. Những hệ sinh thái khỏe mạnh và thể chế lành mạnh của con người có khả năng chống chịu tốt hơn. Điều này thể hiện ở quy mô mạng lưới rộng lớn các khu bảo tồn, quản lý tổng hợp vùng ven biển…

Đề cao các nguyên tắc công bằng và bình đẳng: Sự bất bình đẳng thường dẫn đến tình trạng xung đột và thiếu tuân thủ. Điều này làm cạn kiệt tài nguyên và mất khả năng chống chịu của ngành thủy sản. Theo bà Kendra, để giải quyết cần có sự vào cuộc của nhiều bên để đem lại kết quả công bằng, bình đẳng nhằm giảm tình trạng xung đột và thiếu tuân thủ trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia phía Việt Nam, những thay đổi về khí hậu, nhiệt độ tăng lên làm ảnh hưởng đến sản xuất và nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Để khắc phục tình trạng này giúp ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác dự báo thời tiết, thực hiện mô hình xen canh giữa vụ lúa và nuôi tôm ở Đồng bàng sông Cửu Long, khu vực Mê Kông, mô hình chuyên canh vừa đảm bảo việc chống chịu với thay đổi của thời tiết, thiên tai, giúp năng suất cao hơn và mức độ nguồn thủy sản dồi dào hơn. Cùng với đó là việc nâng cấp, cải tạo các công trình đê chắn sóng, ngăn mặn đảm bảo quá trình nuôi trồng thủy sản ổn định, bền vững hơn trước những diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan.

Lương Nguyễn

Lương Nguyễn