Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển bền vững, thích ứng tương lai
Kinh tế - Ngày đăng : 02:00, 02/02/2022
Vượt qua đại dịch
Dịch COVID-19 bùng phát dữ dội lần thứ 4 kể từ cuối tháng 4/2021 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội TP. HCM. Những dòng người lần lượt bỏ thành phố về quê để “tránh dịch” do mất việc làm, không có thu nhập. Hàng chục ngàn doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các hàng quán đóng cửa, cho người lao động nghỉ việc hoặc hoạt động cầm chừng.
Có những ngày đường phố không bóng người qua lại, các chốt, trạm kiểm soát dịch được lập lên ở khắp các ngõ hẻm, tuyến đường, các khu vực cửa ngõ. Chính quyền thành phố hạn chế sự đi lại, kiểm soát giấy tờ nghiêm ngặt. Các chuyến bay quốc tế và trong nước, các hãng xe, tàu lửa tạm ngưng khai thác, hoạt động.
TP. HCM tự tin, chủ động bước vào năm 2022 với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã khiến tăng trưởng GRDP của thành phố giảm tới 6,78% so với cùng kỳ năm 2020, không đạt chỉ tiêu đề ra (kế hoạch cả năm 2021 là tăng 6%). Đây là lần đầu tiên thành phố có tăng trưởng âm và giảm cả trên 4 lĩnh vực được cho là “thế mạnh” gồm nông-lâm-thủy sản (giảm 13,68%), công nghiệp và xây dựng (giảm 12,96%), khu vực dịch vụ (giảm 5,5%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (giảm 0,43%). Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 15,8%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 5,5%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 27,69%.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá cuối tháng 9/2021, thành phố đã từng bước kiểm soát dịch COVID-19 để bước sang trạng thái “bình thường mới” nhưng thành phố đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhiều người đã không thể vượt qua; các mặt của đời sống, kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong quý 1/2021, tình hình kinh tế – xã hội của thành phố phát triển khá đồng đều và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%; đến 6 tháng đầu năm 2021 bắt đầu chững lại và cuối năm 2021, kinh tế – xã hội sụt giảm nghiêm trọng.
Giữa bối cảnh đó, ngoài các biện pháp chuyên môn về y tế theo chỉ đạo của Bộ Y tế, thành phố đã khẩn trương dồn sức, dồn lực “chạy đua” chống lại tốc độ lây lan và gia tăng số ca tử vong, chuyển biến nặng do COVID-19 như thành lập các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị, các trạm y tế lưu động, cấp phát thuốc và oxy điều trị F0 tại nhà… Trung ương và các bộ ngành, địa phương luôn kề vai, sát cánh, hỗ trợ mọi nguồn lực cho thành phố chống dịch.
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững thích ứng tương lai
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội lần thứ 4, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ, ngành đã liên tục tổ chức các cuộc họp, trực tiếp vào kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt đặt tại thành phố để xử lý ngay những vấn đề cấp bách phát sinh.
Lãnh đạo TP. HCM tập trung cao độ nhiệm vụ công tác cho phòng, chống dịch, tổ chức họp và chỉ đạo liên tục, bất kể ngày đêm. Thành phố đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tùy theo từng diễn biến cụ thể dịch bệnh để ban hành nhiều Chỉ thị khác như Chỉ thị số 10/CT-TU, Chỉ thị số 12/CT-TU của Thành ủy, Chỉ thị số 11/CT-UBND, Chỉ thị số 18/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Đến nay, thành phố tiếp tục khống chế được dịch bệnh, số ca nhiễm mới và số ca tử vong, chuyển nặng thấp hơn rất nhiều so với cao điểm dịch bùng phát. Theo Bộ Y tế, tính đến chiều 29/12/2021, TP. HCM có 502.632 ca mắc COVID-19 được công bố, trong đó có 19.455 ca tử vong.
Nhìn lại công tác chống dịch gần một năm qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM Võ Văn Hoan cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến hơn 292.000 người lao động rời thành phố.
Từ ngày 1/1-24/12/2021, thành phố đã tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ và chi phòng, chống dịch với tổng giá trị hơn 6.726 tỷ đồng, nhân lực bổ sung cho thành phố chống dịch ngoài thành phố gần 30.000 người. Thành phố đã lập và đưa vào hoạt động 31 bệnh viện dã chiến với 44.000 giường bệnh, huy động gần 6.000 y, bác sĩ. Tổng số tiền chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố là hơn 9.143 tỷ đồng.
Nâng khả năng chống chịu, quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng
Trên cơ sở kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ năm 2021, TP. HCM tự tin, chủ động bước vào năm 2022 với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Thành phố đã đề ra 19 chỉ tiêu cho năm 2022, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) dự kiến từ 6 – 6,5%; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; phấn đấu đạt tỷ lệ 20,4 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân…
Đồng thời, TP. HCM sẽ tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 13,32%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,32km/km²; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 6,6 triệu m² và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,2m²/người; diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,57m²/người…
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, để hoàn thành những mục tiêu trên, thành phố sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của kinh tế.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19”. Đồng thời, TP. HCM sẽ tập trung triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2025; rà soát xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, trước mắt tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nhằm kéo giảm suy thoái kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP. HCM, điều kiện để thành phố mở cửa nền kinh tế ngoài việc phủ kín tỷ lệ tiêm vắc-xin, sẽ ưu tiên trọng tâm vào quan tâm, củng cố y tế cơ sở. Theo đó, giải pháp trước mắt của TP. HCM là xây dựng các trạm y tế lưu động để có thể huy động lực lượng từ bên ngoài, quân y, y tế tư nhân, kể cả cán bộ y tế hưu trí khi cần… Đồng thời, sẽ dành một khoản ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng mới hoặc sửa chữa trạm y tế, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Anh Thư