Thanh Hóa: Mực nước trên các sông thấp nhất 20 năm qua
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 05:00, 04/03/2020
Ngay từ những ngày đầu năm, các trạm bơm thuộc hệ thống thủy nông sông Chu, các máy bơm công suất lớn liên tục được vận hành để cấp nước cho các địa phương tiến hành sản xuất vụ chiêm 2020. Với trên 300 máy bơm tưới, lưu lượng từ 450 đến 2.500 m3/giờ/máy, ở 11 chi nhánh, công tác điều tiết và vận hành bơm được triển khai khẩn trương, tích cực. Cùng với đó, các cán bộ thủy nông thường xuyên bám sát công trình để vận hành máy bơm và dẫn nước vào ruộng.
Ông Nguyễn Văn Lượng- cán bộ kỹ thuật Chi nhánh Thuỷ nông huyện Triệu Sơn cho biết, mặc dù chưa xảy ra khô hạn do có sự chủ động trong công tác điều tiết và khơi thông dòng chảy từ phía các đơn vị thủy nông, nhưng theo dự báo đến giai đoạn cuối của vụ chiêm xuân và đầu vụ mùa 2020 khả năng hạn hán trên điện rộng có thể xảy ra. Vì vậy, hiện tại cùng với việc tập trung chỉ đạo bơm nước gieo cấy ở tất cả các diện tích sản xuất, cán bộ thủy nông đều triệt để thực hiện dự trữ nước trên mặt ruộng, tưới luân phiên và không để xảy ra tình trạng nước chảy tràn. Nhiều điểm nóng, xung yếu do đồng cao, cuối nguồn, đơn vị bố trí cán bộ trực 24/24 giờ; có phương án lắp máy dã chiến để kịp bơm nước trong mọi tình huống…
Thanh Hóa đối diện với nguy cơ hạn hán trên diện rộng
Tại Trạm bơm Yên Tôn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, mực nước thiết kế để trạm bơm hoạt động hết công suất tối thiểu phải đạt 5,8m, nhưng theo quan sát của chúng tôi tại cửa cống lấy nước vào trạm hiện chỉ còn 4,9m. Mực nước này thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 0,3m.
Ông Trịnh Quang Trung- Trạm bơm Yên Tôn, thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Sông Mã cho biết: Tổ có 18 máy bơm với công suất 18 nghìn m3/giờ; tưới cho khoảng 1,2 nghìn ha đất nông nghiệp thuộc 5 xã của huyện Vĩnh Lộc, nhưng thời điểm này chỉ vận hành được 6 máy và công suất chỉ đạt 60-70%/máy, mặc dù chi nhánh công ty đã cho nạo vét các kênh dẫn và bể hút, nối ống. Đây là mực nước thấp nhất trong vòng 20 năm qua. “Để phục vụ nước sản xuất, chúng tôi đã chỉ đạo Trạm bơm Yên Tôn thường xuyên túc trực, theo dõi mực nước trên sông Mã, tranh thủ bơm nước mọi thời điểm có thể.
Tuy nhiên, lượng nước không đủ khiến công ty phải vận hành tưới luân phiên, khiến một số diện tích cây trồng không được tưới kịp thời, đặc biệt là các diện tích ở cuối kênh tưới. UBND huyện Vĩnh Lộc đã có văn bản trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa phối hợp Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Sông Mã khảo sát đoạn qua trạm bơm Yên Tôn xem xét để đắp đập ngăn nước và tìm hướng giải quyết”- ông Trung cho biết thêm.
Tương tự, tại Thạch Thành năm nay, huyện có diện tích gieo cấy vụ chiêm xuân khoảng 4800 ha. Trước tình hình thời tiết khô hạn, mức nước hồ đập và trên sông thấp hơn so với trung bình nhiều năm, huyện đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất. Ngay trong vụ chiêm xuân 2020, huyện Thạch Thành đã chuyển đổi 200 ha theo hướng phát triển các cây trồng hàng hoá, có giá trị thu nhập cao. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục ít mưa, chắc chắn, trong giai đoạn đầu vụ mùa, tình trạng hạn hán sẽ xảy ra. Vì vậy, huyện Thạch Thành đã chỉ đạo các địa phương dùng nước tiết kiệm, hiệu quả đồng thời chủ động hơn nữa trong việc chuyển đổi cây trồng tại các diện tích khó khăn về nước tưới.
Ngân Thủy (T/h)