TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách điêu đứng

Kinh tế - Ngày đăng : 01:00, 16/03/2022

Moitruong.net.vn – Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với giá nhiên liệu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tại TP.HCM điêu đứng vì liên tục thua lỗ.

Những ngày qua, hàng trăm xe khách nằm im tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Thỉnh thoảng, vài xe giường nằm từ miền Trung cập bến với số khách trung bình chưa đến 10 người mỗi chuyến. Những tuyến đi Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Phan Thiết (Bình Thuận)… cũng chỉ có vài khách lên xe khởi hành.

Vay tiền để cầm cự

“Chi phí nhiên liệu tăng gần gấp đôi nhưng giá vé không đổi. Bây giờ, mỗi chuyến xe huề vốn là tôi mừng lắm rồi”, ông Trần Trọng Hòa (51 tuổi), chủ hãng xe khách Hoàng Khoa chạy tuyến TP.HCM – Hà Nội, lắc đầu ngao ngán khi được hỏi về tình hình vận tải.

Ông Hòa cho biết chi phí hoạt động mỗi chuyến xe tuyến TP.HCM – Hà Nội khoảng 50 triệu đồng (tiền nhiên liệu, phí cầu đường). Nếu thu không đủ 50 triệu đồng thì ông lỗ vốn.

“Năm 2021, mỗi chuyến xe tôi tốn khoảng 15 triệu tiền dầu. Năm nay, tiền đổ dầu tăng lên gần 30 triệu đồng. Xe nằm trong bến cũng chết, xuất bến thì không biết lời hay lỗ. Tôi đang phải vay ngân hàng, mượn tiền người thân để duy trì chuyến xe, cố cầm cự”, ông Hòa nói.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi chuyến xe xuôi ngược Bắc – Nam của ông Hòa trung bình chở được 4-5 khách, giá mỗi vé 830.000 đồng. Để bù lỗ, ông phải nhận chở thêm nhiều hàng hóa.

Ông Phạm Thanh Duyên (52 tuổi), chủ nhà xe Duyên Hà, có 5 xe khách loại 40 giường chạy tuyến TP.HCM – Đắk Nông. Xăng tăng và ảnh hưởng của dịch, ông Duyên phải tạm ngưng hoạt động một xe và cho 5 nhân viên nghỉ việc.

“Cách nay một năm, chi phí mỗi chuyến xe 2,5 triệu đồng tiền dầu. Năm nay tiền dầu tăng lên 4 triệu mỗi chuyến, trong khi giá vé vẫn 130.000 đồng. Tôi đang xin Sở GTVT TP.HCM nâng giá vé lên thêm 20.000 đồng nhưng chưa được phê duyệt”, ông Duyên nói.

Theo ông Duyên, giá nhiên liệu tăng là gánh nặng không chỉ của doanh nghiệp mà còn cả với người dân. Việc xin tăng giá vé giống như người dân chia sẻ gánh nặng cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dù biết mỗi chuyến xe đều lỗ, vẫn phải chạy vì nếu tạm ngưng thì khách sẽ quay lưng với doanh nghiệp.

Chủ hãng vận tải cho biết xe ông bây giờ đậu ở bến cũng không được mà chạy cũng không xong. Đậu cũng phải đóng phí mà càng chạy thì càng lỗ.

Ảnh minh họa.

Xe hoạt động cầm chừng để giữ khách

Bà Trần Thị Quyên (47 tuổi, quê Bình Thuận), thành viên của Hợp tác xã vận tải Đông Bắc, có 3 xe giường nằm chạy tuyến TP.HCM – Bình Thuận, cho biết mỗi chuyến xe của bà hiện gánh lỗ từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

“Bến xe Miền Đông đang vắng như cái chùa. Có thời điểm 5 ngày liên tiếp tôi không có khách để chở. Sáng 14/3, xe tôi từ Bình Thuận vào TP.HCM có 4 khách, thu được 600.000 đồng, không đủ tiền đổ dầu. Tôi bây giờ cho xe hoạt động cầm chừng để giữ khách”, bà Quyên nói.

Trong 7 tháng tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19 vừa qua, bà Quyên phải mượn tiền nhiều người để đóng lãi ngân hàng.

Khi ngành vận tải hoạt động trở lại thì giá xăng dầu tăng, vắng khách mà chi phí tăng lên khiến bà đứng ngồi không yên vì mỗi chuyến xe luôn lỗ vốn.

Ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết giá nhiên liệu tăng nên các đơn vị vận tải đang gặp khó khăn. Tình hình dịch bệnh phức tạp nên lượng khách khởi hành tại bến giảm mạnh.

“Ngoài việc áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo quy định của Nhà nước thì đơn vị cũng hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khai thác các quầy bán vé, giảm giá để hỗ trợ phần nào. Có 25 nhà xe kiến nghị tăng giá vé lên khoảng 26% và đang chờ cơ quan Nhà nước xem xét”, ông Chín cho biết thêm.

Giang Anh

Giang Anh