Người dân Quảng Nam hối hả bơm nước cứu dưa hấu
Kinh tế - Ngày đăng : 00:30, 02/04/2022
Trưa 1/4, mặc dù trời vẫn đổ mưa tầm tã những trên khắp các cánh đồng trồng dưa hấu ở huyện Phú Ninh, địa phương trồng dưa hấu lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, hàng chục người dân vẫn đang hối hả mang cuốc, xẻng cùng với các loại máy bơm để khơi thông rãnh, bơm hút nước mưa ứ đọng trong các ruộng dưa ra ngoài, tránh để ngập úng, hư hại.
Sau đợt mưa lớn suốt gần 2 ngày qua, hàng trăm ha trồng dưa hấu của bà con nông dân huyện Phú Ninh bị chìm ngập trong nước. Một số diện tích người dân không kịp cứu vãn, đành chấp nhận phó mặc cho trời, khả năng cao sẽ bị mất trắng.
Người dân chuẩn bị xăng dầu, máy bơm để hút nước ra khỏi ruộng dưa hấu
Vừa ra đồng ruộng chứng kiến cảnh 3 sào (1 sào 500m2) dưa hấu của gia đình mênh mông nước, vợ ông Huỳnh Thành (trú thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) bật khóc rồi lủi thủi trở về nhà. Bao nhiêu tiền của, công sức bỏ xuống suốt gần 1 tháng qua của vợ chồng ông Thành bây giờ xem như chẳng còn lại gì.
Ông Thành cho biết, vụ trước, gia đình ông canh tác cây lạc trên mảnh ruộng này. Thế nhưng, khi thấy dưa hấu bán được giá cao nên năm nay ông và vợ quyết định chuyển qua trồng trên diện tích 5 sào. Không có vốn nên từ khi xuống giống đến nay, tiền phân bón, thuốc rồi tiền công ông đều vay mượn.
Cần mẫn chăm sóc, mạnh dạn đầu tư nên ruộng dưa của gia đình ông Thành phát triển rất tốt. Ông hy vọng, cuối vụ thu hoạch bội thu, bán được giá sẽ có tiền trả nợ cũng như có thêm một chút tiền lãi. Thế nhưng, trận mưa lớn vừa qua đã khiến cho hơn 1 nửa diện tích dưa hấu của gia đình bị ngập nước, hư hại. Bây giờ, ông chỉ còn trông chờ vào 2 sào trồng ở khu vực cao hơn vẫn chưa bị ngập hoàn toàn.
“Vẫn còn mưa lớn quá, sợ 2 sào này bị ngập nước nên vừa rồi tôi phải đi mượn máy bơm rồi túc trực ở đây để hút nước ứ đọng trong ruộng ra. Vớt vát được chừng nào tốt chừng đó chứ số tiền bỏ vào ruộng dưa này cũng gần 20 triệu rồi. Không biết có gỡ gạc được gì không nếu vụ này mà mất trắng thì chắc phải bán con trâu ở nhà để trả nợ và có tiền đầu tư cho vụ sau”, ông Thành rầu rĩ nói.
Theo ông Trịnh Ngọc An, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh, vụ xuân năm nay, toàn huyện sản xuất khoảng 400ha dưa hấu tập trung ở các xã như Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành… Trung bình mỗi năm, năng suất dưa hấu của toàn huyện đạt khoảng 27 tấn/ha.
“Theo thống kê đến thời điểm này đã có trên 200 ha bị ngập úng. Trước tình hình mưa lớn kéo dài, huyện đã hướng dẫn các hộ dân khơi thông rãnh, tháo nước ngập úng đồng thời sử dụng máy bơm để hút nước, cứu được diện tích nào tốt diện tích đó. Tuy nhiên, diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại thì phải chờ trời nắng mới biết được”, ông An nói.
Dùng máy bơm cứu dưa nhưng trời tiếp tục mưa lớn bà con rất buồn lòng
Nước lũ nhấn chìm những ruộng dưa hấu vùng thấp trũng ven sông Vu Gia, huyện Đại Lộc, khiến nông dân phải lội nước thu hoạch sớm.
Thiệt hại nặng nề nhất là xã Đại Hồng, Đại Lãnh. Nước từ sông Vu Gia tràn lên khiến những quả dưa hấu nổi lềnh bềnh.
Sau một đêm, ruộng dưa của bà Võ Thị Êm, xã Đại Lãnh, chìm trong nước lũ. Bà phải dầm mình vớt từng trái.
Ngoài diện tích ngập nước, ruộng dưa của bà Êm bị cát bồi lấp, phải dùng tay bới thu hoạch. Bà Êm trồng 12 sào dưa (500m2/sào), trong đó 6 sào bị ngập. Gia đình phải huy động gần 10 người để thu hoạch.
“Từ tháng 12 năm ngoái, tôi đầu tư 40 triệu đồng giống, phân bón và chăm sóc, dự kiến thu hoạch 12 tấn. Khoảng 5 ngày nữa thì thu hoạch, nhưng mưa bất thường trút xuống hư hỏng mất 6 tấn”, bà nói.
Bình thường phải đến tháng 10-11 miền Trung mới mưa to, lũ lên cao, đợt mưa này được đánh giá hiếm gặp. Từ ngày 28/3, cơ quan khí tượng đã cảnh báo mưa to, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương chủ động phòng tránh.
Gia Hân