Hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu Mekong: Trung Quốc sẽ xả nước từ các đập để khắc phục
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:37, 21/02/2020
Trung Quốc ngày 20/2 cho biết họ đang giúp các nước láng giềng hạ lưu đối phó với hạn hán kéo dài bằng cách xả thêm nước từ các đập ở thượng nguồn sông Mekong, đồng thời sẽ xem xét chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, mưa ít là nguyên nhân chính gây khô hạn và Trung Quốc cũng đang phải chịu đựng điều đó.
“Trung Quốc đã vượt qua khó khăn của mình và tăng dòng chảy của sông Lan Thương (đoạn sông Mekong tại Trung Quốc) để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn.
Chúng tôi cũng đồng ý nâng cao hợp tác trong khuôn khổ LMC nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn nước hợp lý và bền vững”, ông Vương nói.
Hạ lưu sông Mê Kông khô hạn nghiêm trọng.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được đưa ra sau khi một báo cáo mới do Fitch Solutions Macro Research thực hiện dự đoán việc xây đập thủy điện trên sông Mekong sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh tế của 5 quốc gia thuộc lưu vực sông, thúc đẩy lạm phát dài hạn và phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhiều bài nghiên cứu của Ủy ban sông Mekong (MRC) cho rằng việc xây đập sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, buộc các quốc gia trong lưu vực phải nhập khẩu thêm lương thực từ Trung Quốc để bù đắp sự thiếu hụt dài hạn.
Hạn hán trong năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và thủy sản ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng do ảnh hưởng từ 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong (đoạn sông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương), cũng như biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đối mặt với mùa hạn mặn đến sớm và nghiêm trọng hơn mọi năm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới xâm nhập mặn như vậy là do tình trạng hạn hán kéo dài khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong 60 năm qua.
Mai Anh (t/h)