Sóc Trăng: Không để người dân thiếu nước sạch sinh hoạt
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 04:00, 20/02/2020
Mùa khô năm 2020 ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Sóc Trăng nói riêng đang bước vào giai đoạn gay gắt. Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước diễn biễn phức tạp của hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cung cấp nước sạch cho bà con; kiên quyết không để người dân thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô.
Ngày 19/2, ông Đặng Văn Ngọ, Tổng giám đốc Công ty CP cấp nước Sóc Trăng (Sóc Trăng Waco), cho biết: “Trước tình trạng hạn hán đến sớm hơn những năm trước, để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, đơn vị đã khoan và đưa vào sử dụng thêm 4 giếng ngầm, công suất mỗi giếng 1.200m3/ngày đêm. Tính đến nay, Waco Sóc Trăng có 7 nhà máy xử lý nước ngầm với tổng công suất 30.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp đẩy đủ nước sạch cho người dân sử dụng”.
Hệ thống cấp nước sạch tại xã đảo Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng)
Tại xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách), nhiều năm qua, người dân nơi đây chủ yếu sử dụng nguồn nước tự nhiên ở sông, rạch, giếng khoan không đảm bảo an toàn vệ sinh. Nay, bà con xã đảo này đã có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt, đảm bảo an toàn vệ sinh.
Theo ông Đặng Văn Ngọ, Phong Nẫm là xã đảo của huyện Kế Sách, nằm hoàn toàn trong lòng sông Hậu, không tiếp giáp với các xã khác qua đường bộ. Muốn đến xã chỉ có duy nhất là phương tiện phà qua sông. Nhiều năm trước, bà con ở đây chủ yếu sử dụng nước từ sông, rạch, giếng khoan nên không đảm bảo chỉ số an toàn.
“Trước thực trạng đó, chúng tôi bàn bạc với chính quyền địa phương xây dựng trạm cấp nước phục vụ cho bà con ở xã với công suất 1.000m3/ngày đêm, tổng kinh phí đầu tư gần 9 tỉ đồng, giá nước ở đây giống các địa phương trong tỉnh nên bà con rất ủng hộ”, ông Ngọ chia sẻ.
Ông Hứa Văn Lến (ngụ ấp Phong Thới) phấn khởi cho biết: “Chúng tôi từ trước đến nay chủ yếu sử dụng nước sông, giếng khoan. Tuy nhiên, sau này nước sông bị ô nhiễm, nước giếng khoan chưa an toàn do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Chúng tôi rất vui khi Công ty cấp nước Sóc Trăng đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch cho bà con sử dụng”.
Một hệ thống cấp nước sạch của Công ty CP cấp nước Sóc Trăng
Theo Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm nước sạch, dự báo hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 sẽ thiếu nước sinh hoạt đối với người dân nông thôn. Qua thống kê, toàn tỉnh có 73 xã của 10 huyện, thị xã với 26.572 hộ dân bị ảnh hưởng, cần tiếp tục giải quyết nước sinh hoạt trong thời gian tới. Tỉnh đã giao cho ngành Nông nghiệp chỉ đạo mở rộng mạng cung cấp nước, khoan thêm giếng dự phòng để phục vụ các hộ bị ảnh hưởng.
Để giải quyết, Trung tâm nước sạch đã nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn từ các công trình cấp nước tập trung hiện có, với chiều dài là 719.688m, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho 21.622 hộ dân, với tổng kinh phí 115 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung với kinh phí 45 tỷ đồng, cấp nước cho 2.772 hộ dân. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là 160 tỷ đồng.
“Hiện, Trung tâm đang quản lý khai thác 146 công trình cấp nước tập trung cho 108.000 hộ dân. Tổng công suất giếng đang khai thác là 100.000 m3/ngày đêm. Để đảm bảo cấp nước cho thêm 26.572 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, cần nâng công suất khai thác thêm 22.000 m3/ngày đêm. Kế hoạch khoan thêm 22 giếng tạo nguồn tại các Trạm cấp nước, mỗi giếng công suất 1.000 m3/ngày đêm. Đến nay Trung tâm đã khoan được 10 giếng, công suất mỗi giếng 1.000 m3/ngày đêm, với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Thi công 136.956 mét đường ống cấp nước, giải quyết nước sinh hoạt cho 3.770 hộ tập trung tại các xã Long Bình (Ngã Năm), Ba Trinh, Đại Hải, Trinh Phú (Kế Sách), Mỹ Tú với kinh phí thực hiện 21,9 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục khoan thêm 12 giếng tạo nguồn tại các Trạm cấp nước, với kinh phí 3,6 tỷ đồng; nâng cấp mở rộng 600km đường ống; xây mới 3 Trạm cấp nước tập trung, phục vụ cấp nước cho 22.800 hộ dân, với kinh phí 140 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Chuyện, chia sẻ: “Tỉnh còn nhiều hộ dân khó khăn về nước sạch sinh hoạt, nhưng những hộ này lại sinh sống rải rác trên các tuyến kênh, rạch, ở xa trung tâm huyện, xã, thị trấn… nên việc đầu tư lắp đặt hệ thống ống nước về tận nơi rất khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước phải tìm mọi giải pháp đưa nước sạch về cho bà con, không để bà con thiếu nước sạch sinh hoạt”.
Hạnh Trang