Đồng Nai: TP. Biên Hoà sắp xếp lại vùng nuôi thủy sản tránh ô nhiễm nguồn nước
Kinh tế - Ngày đăng : 02:30, 07/04/2022
Sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chính cho tỉnh và vùng phụ cận. Việc hình thành và phát triển nuôi cá bè theo quy mô làng, khu vực phần nào tạo sinh kế cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, cần sắp xếp, quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản để vừa bảo vệ chất lượng nguồn nước, vừa duy trì hoạt động nuôi thủy sản hiệu quả.
Khu vực nuôi cá bè sông La Ngà (H.Định Quán), Ảnh: B.Mai
Khu vực nuôi thủy sản đều bị ô nhiễm
Thông tin mới công bố của Sở TN-MT khiến nhiều người quan ngại, tất cả các khu vực nuôi thủy sản trên sông, hồ trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm nguồn nước. Trong đó, khu vực làng nuôi cá bè trên sông La Ngà (H.Định Quán) có mức độ ô nhiễm cao nhất. Tại thời điểm quan trắc vị trí cầu số 1 có 6/17 thông số vượt quy chuẩn quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước mặt của Bộ TN-MT. Cụ thể, các thông số: COD vượt 2,3 lần; BOD5 vượt 1,5 lần; Amoni vượt 4,6 lần; Nitrit vượt 1,9 lần; E.Coli vượt 4,6 lần; Fe vượt 2,3 lần.
Khu vực làng cá bè Ba Xê (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hoà) vào thời điểm quan trắc có 6/17 thông số vượt so với quy chuẩn từ 1,1-1,4 lần là: Fe, Amoni, Nitrit, COD, Coliform, đặc biệt có vi sinh E.Coli vượt đến 34 lần. Làng cá bè Tân Mai (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có 4/17 thông số vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1-4,6 lần. Khu vực nuôi hàu trên sông Bà Hào (H.Nhơn Trạch) có 4 thông số vượt quy chuẩn; khu vực dự án nuôi tôm tại Rạch Tràm (H.Nhơn Trạch) có 6 thông số vượt quy chuẩn…
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) Đồng Nai thông tin, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt đầu mùa mưa (các đợt 1, 2, 3, 4 năm 2022) cho thấy, chất lượng nước mặt tại các sông, suối (không có nuôi thủy sản), nước mặt tại khu vực cấp nước sinh hoạt cơ bản đạt, chỉ 1-2 thông số chưa đạt.
Riêng chất lượng nước mặt tại các khu vực nuôi thủy sản đều có các thông số vượt quy chuẩn. Nguyên nhân do trong quá trình nuôi thủy sản phát sinh nhiều thức ăn dư thừa, mật độ lồng bè quá dày vượt khả năng tự làm sạch nguồn nước.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt ở khu vực nuôi thủy sản là tình trạng sử dụng chất thải từ các lò giết mổ (nội tạng heo, ruột gà vịt, ruột cá) làm thức ăn. Năm 2021, thành phố kiểm tra và bắt quả tang trường hợp vận chuyển 2,5 tấn nội tạng động vật làm thức ăn cho cá, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật.
Tại buổi khảo sát tiến độ di dời các bè cá và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cách đây vài tuần, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, việc giải tỏa các bè nuôi cá trên sông Cái là chủ trương của thành phố, phải thực hiện để đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị.
Trước mắt, thành phố sẽ di dời, tạm ngưng nuôi cá lồng bè mỗi bên 200m tại vị trí dự kiến xây cầu Thống Nhất. Các khu vực còn lại sẽ giảm dần quy mô, tiến tới ngưng nuôi cá bè vào cuối năm 2023. Về chính sách hỗ trợ, thành phố sẽ sớm hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án. Dự kiến thành phố sẽ chi ngân sách khoảng 40 tỷ đồng hỗ trợ người dân di dời, chuyển đổi nghề nghiệp.
Tăng kiểm soát các nguồn chất thải
Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc HTX Thủy sản sinh thái (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) chia sẻ, khi nghe tin thành phố sẽ “xóa sổ” làng cá bè, ông và các xã viên khá bức xúc vì không biết sẽ làm gì, ở đâu, bằng cách nào. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, các xã viên đã đồng tình ký cam kết không phát triển thêm lồng, bè; di chuyển bè từ phía P.Tân Mai sang mé bờ P.Hiệp Hòa. “Chúng tôi rất tiếc, nhưng vì cái chung của thành phố nên chúng tôi chấp hành. Nhưng chúng tôi mong các cấp chính quyền xem xét cho phép HTX chuyển đổi mô hình từ nuôi cá thương phẩm bán sang nuôi cá cảnh kết hợp kinh doanh dịch vụ trên sông, hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ ngưng nuôi cá mà không có nhà trên bờ” – ông Đàm chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) Trương Văn Khiêm cho rằng, trước khi có chủ trương sắp xếp lại làng cá bè, P.Long Bình Tân có 135 hộ với 248 bè cá chủ yếu tập trung xung quanh cù lao Ba Xê. Qua nhiều lần tuyên truyền, vận động, hiện còn 88 hộ với 88 bè, đa phần những hộ khó khăn. Phường thống nhất với chủ trương ngưng nuôi thủy sản trên sông của thành phố, nhiều hộ dân cũng mong muốn lên bờ, nhưng mong chính sách hỗ trợ thỏa đáng để người dân có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Việc sắp xếp, quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản trên sông không chỉ giúp người nuôi giảm bớt rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường nước, tạo cảnh quan để khai thác lợi thế du lịch và giao thông thủy.
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn, chất lượng môi trường nước mặt diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là các khu vực nuôi thủy sản. Kết quả các đợt quan trắc từ đầu năm đến nay đã chỉ ra những vấn đề này. Nếu không có giải pháp cải thiện ngay, tình trạng cá chết hàng loạt khi mưa xuống, chất lượng nguồn nước đầu vào của các nhà máy không đảm bảo là điều dễ hiểu.
Do đó, Sở TN-MT đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân hạn chế nguồn thải ra sông, suối; Sở NN-PTNN phối hợp với UBND H.Định Quán, Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản đảm bảo đúng mật độ nuôi, giám sát chất lượng nước tại khu vực nuôi cá hồ Trị An. UBND TP.Biên Hòa, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho người dân sử dụng đạt quy chuẩn, trong đó lưu ý kiểm soát chất lượng nước mặt trước khi vào Nhà máy Nước Thiện Tân, Trạm bơm nước Hóa An và Nhà máy Nước Biên Hòa.
Thùy Trang