Thừa Thiên – Huế: Khẩn trương bơm nước cứu lúa, hoa màu ngập úng

Kinh tế - Ngày đăng : 02:00, 06/04/2022

Moitruong.net.vn – Hàng nghìn ha lúa vụ Đông Xuân của tỉnh Thừa Thiên – Huế đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông bị ngâm sâu trong nước từ 3-4 ngày, “thời gian vàng” để cứu lúa chỉ còn khoảng hơn 1 ngày.

Trước tình thế cấp bách trên, các trạm bơm nước thủy lợi trên nhiều cánh đồng của tỉnh Thừa Thiên – Huế những ngày qua đang hoạt động liên tục, vận hành hết công suất 24/24 giờ để “chạy nước rút” khẩn trương cứu lúa ở những diện tích có khả năng sống cao.

Mưa lớn ảnh hưởng đến hơn 70% diện tích lúa của toàn tỉnh

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 31/3 đến ngày 3/4, trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa trên toàn tỉnh phổ biến 200-500 mm.

Đây là đợt mưa có lượng mưa và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng khu vực ven các sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi, Bù Lu.

Đợt mưa lớn trái mùa đã làm 33 nhà tốc mái, 7 chiếc thuyền bị chìm, khoảng 20.834 ha diện tích lúa bị ngập úng. Trong đó, ước tính diện tích bị ảnh hưởng trên 70% khoảng 17.748,6 ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30-70% là 3.085,4 ha.

Huy động tối đa máy bơm để tiêu úng thoát nước nhanh diện tích lúa đang bị ngập – Ảnh: VGP

Tại huyện Phú Lộc, mưa lũ gây ngập úng hàng trăm ha lúa. Ban CHQS huyện Phú Lộc đã kịp thời huy động hàng chục cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân xã Lộc An nhanh chóng cơ động về địa phương phối hợp với người dân tổ chức đắp đê ngăn lũ cứu lúa tại cánh đồng Lệ Bàn diện tích hơn 150 ha, khu vực trồng lúa của người dân 7 thôn thuộc xã Lộc An.

Còn tại huyện Phú Vang, nhiều cán bộ, chiến sĩ được huy động cùng với bà con địa phương tổ chức vận chuyển hàng nghìn bao đựng cát, đựng đất đắp bờ tại các nơi nước lũ tràn qua, khu vực có nguy cơ bị vỡ để bảo đảm an toàn cho cánh đồng lúa.

Để khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ trái mùa vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương huy động tổng lực, tổ chức tiêu úng thoát nước một cách khoa học, nhanh chóng đối với các diện tích lúa và hoa màu còn lại. Tăng cường bố trí cán bộ phụ trách từng địa bàn, thường xuyên theo dõi tình hình ngập úng và các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thống kê các thiệt hại cũng như đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ lương thực cho những người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lớn vừa qua.

Trong đó phải thống kê cụ thể bao nhiêu hộ, số người, diện tích hoa màu bị mất để kịp thời hỗ trợ, tuyệt đối không để người dân thiếu đói. Đồng thời chủ động, hỗ trợ giống cây trồng cho người nông dân trong vụ mùa tiếp theo.

Huy động tối đa nhân lực, vật lực tiêu úng thoát nước nhanh lúa đang bị ngập

Chiều 4/4, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng; kiểm tra các diện tích lúa bị ngập tại xã Vinh Hà, huyện Phú Vang và khu vực đê bị hư hỏng tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc.

Để hạn chế thiệt hại về năng suất, sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 do ảnh hưởng của mưa lớn, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các địa phương khẩn trương vận hành các công trình thủy lợi, thường xuyên theo dõi lịch triều, mực nước trên sông, đầm phá để đóng, mở các cửa cống trên đê ven phá, các đập để tiêu úng.

Huy động tối đa nhân lực, vật lực để gia cố đê bao, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm để tiêu úng thoát nước nhanh diện tích lúa đang bị ngập, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày gây thiệt hại lớn đến cây lúa đang ở thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ và hạn chế tối đa các mầm mống gây bệnh cho cây lúa.

Các phương tiện gia cố đê bao ngăn nước lũ cứu lúa và hoa màu – Ảnh: VGP

Ông Lê Trường Lưu yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát thật kỹ, kiểm tra nắm thiệt hại về lúa, hoa màu, thủy sản, các công trình để có giải pháp hỗ trợ, khắc phục kịp thời. Huy động lực lượng giúp nhân dân vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Dự báo trong những ngày tới diễn biến thời tiết vẫn còn phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Hồng Hạnh

Hồng Hạnh