Nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 02:42, 01/05/2017
(Moitruong.net.vn) –Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số… đang khiến nhu cầu về nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt tăng đột biến trong khi nguồn nước sông, nước ngầm bị suy giảm mạnh.
Nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp
Quá trình đô thị hóa khiến nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng, nạn chặt phá rừng trái phép… cũng ảnh hưởng đến điều tiết nguồn nước giữa các vùng và hạn chế việc mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp vùng thượng nguồn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam tăng nhanh: Năm 2000 khoảng 65 tỷ m3/năm; năm 2010 khoảng 72 tỷ m3/năm; dự báo năm 2020 là 80 tỷ m3/năm. Lượng mưa hàng năm khá cao nhưng phân bổ không đồng đều, nhiều dòng sông bị ô nhiễm do khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, gây sức ép tới nguồn nước sạch.
Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (Bộ NN& PTNT) Trần Đình Hòa cho biết: Biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, sạt lở đất, nắng nóng kéo dài, lượng mưa giảm… gây khô hạn, dẫn đến nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở các địa phương. Dự báo, khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có 828.000ha đất bị nhiễm mặn; vùng trung du và miền núi Bắc Bộ khoảng 2,3 triệu héc ta đất bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở…
Theo dự báo, năm 2030, mực nước biển dâng cao, nước ta có khoảng 45% diện tích đất nguy cơ nhiễm mặn kéo theo năng suất lúa khu vực Nam Bộ giảm 9%, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết: Tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước thời gian qua ảnh hưởng đến vụ mùa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vụ đông xuân ở miền Bắc. Đối với các tỉnh nuôi trồng thủy sản, thiếu nước và nguồn nước bị ô nhiễm cũng khiến dịch bệnh phát sinh, gây hại hàng nghìn héc ta tôm nuôi…
Sử dụng nguồn nước hợp lý
Mới đây, tại “Hội thảo quốc tế về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội VAFIE Nguyễn Mại cảnh báo: Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, rất cần hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý.
Đối với những vùng sản xuất nông nghiệp đang bị thiếu nước trầm trọng, Bộ NN&PTNT cần hướng dẫn cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Các tỉnh, thành phố khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện phương pháp tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng trên cạn như: Tưới nhỏ giọt, phun mưa…
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam Nguyễn Quốc Đạt cho biết: Hiện nay, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp có nguy cơ thiếu nghiêm trọng trong bối cảnh chất lượng nước ở các sông trên địa bàn đang ô nhiễm. Vì vậy, để bảo đảm sản xuất và chủ động dự trữ nguồn nước, các ngành chức năng cần thường xuyên giám sát, cảnh báo tình trạng thiếu nước ở khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao; rà soát, xác định vùng nguy cơ bị hạn hoặc thiếu nước để bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp; đồng thời hướng dẫn bà con nông dân biện pháp tiết kiệm nước và có kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt phù hợp, hiệu quả…