Bình Định: Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản vịnh Quy Nhơn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 26/04/2022
Hiệu quả từ Đề án thành lập khu vực biển vịnh Quy Nhơn
Năm 2016, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án thành lập khu vực biển vịnh Quy Nhơn do cộng đồng địa phương quản lý, trong đó đặc biệt tập trung vào 152,35 ha rạn san hô ở các vùng biển thuộc xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).
Các chuyên gia của MCD thực hiện quan trắc rạn san hô tại khu vực Bãi Dứa xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn
Trên cơ sở đề án này, ngành chức năng tỉnh Bình Định triển khai nhiều hoạt động, chương trình giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân. Nổi bật trong đó là dự án “Nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển ven bờ thuộc vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (gọi tắt dự án Vịnh Quy Nhơn)” do Hiệp hội Thủy sản tỉnh Bình Định triển khai với sự hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) trong thời gian từ năm 2019 – 2021.
Từ tác động của dự án, nhận thức, thói quen của cư dân địa phương trong tham gia bảo vệ hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô từng bước thay đổi. Trong khuôn khổ dự án, đã thành lập được 4 tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản với sự tham gia của 230 hộ dân tại 4 xã, phường; các thành viên trong tổ được đào tạo cơ bản kiến thức, kỹ năng trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý hệ sinh thái rạn san hô và tài nguyên sinh vật biển tại địa phương. Đồng thời, thông qua dự án, thực hiện thành công mô hình xây dựng vào giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý theo Luật Thủy sản tại 4 khu vực biển có rạn san hô tại vịnh Quy Nhơn với tổng diện tích 46,2 ha.
“Tham gia tổ cộng đồng địa phương, tôi hiểu rõ hơn việc giữ gìn rạn san hô giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển, từ đó đưa tới sinh kế ổn định cho người dân làng chài. Cùng với đó, khi mình bảo vệ biển, biển trao cho mình cơ hội để phát triển, để khai thác các tiềm năng từ biển cho hoạt động dịch vụ, du lịch”, ông Nguyễn Hữu Đảo, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Bãi Dứa (Nhơn Lý) chia sẻ.
Tiếp đó, giai đoạn năm 2021 – 2023, Bình Định triển khai dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương” do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) hỗ trợ thực hiện tại 2 xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và phường Ghềnh Ráng. Nhờ đó, hoạt động của các tổ chức cộng đồng địa phương tiếp tục được nâng cao, năng lực quản lý tốt hơn và thực hiện bảo vệ rạn hô, nguồn lợi thủy sản hiệu quả hơn.
Qua đánh giá, hiện trạng các rạn san hô và nguồn lợi thủy sản vùng vịnh Quy Nhơn từng bước phục hồi, duy trì và phát triển tốt. Các số liệu từ các đợt quan trắc giúp ngành chức năng nhìn nhận tổng quan, đánh giá được mức độ tác động của con người và thiên tai, nhằm đưa ra dự báo, cảnh báo và giải pháp giúp cộng đồng địa phương bảo vệ tốt hơn nguồn lợi thủy sản.
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thành công lớn và quan trọng nhất từ các dự án, các chương trình là chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng dân cư ven biển trong bảo vệ hệ sinh thái biển. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 4 tổ chức cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn); các tổ chức này hoạt động tích cực trong truyền thông nâng cao nhận thức, tham gia các hoạt động bảo vệ hệ sinh thái biển.
Không có tình trạng khai thác san hô trái phép tại Hòn Sẹo
Chiều 19/4, UBND xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) có báo cáo xác minh về thông tin san hô bị khai thác trái phép tại khu vực Hòn Sẹo và cho rằng đây là thông tin không chính xác.
Việc quan trắc rạn san hô tại khu vực Hòn Sẹo được thực hiện công khai, khách quan
Trước thông tin về việc san hô tại khu vực Hòn Sẹo (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị chết hàng loạt, ngày 13/4, Chi cục Thủy sản và Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tiến hành kiểm tra, đánh giá rạn san hô tại khu vực này.
Bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định cho biết, hiện tại khu vực này còn sóng to gió lớn nên việc khảo sát rạn san hô chưa được kỹ. Tuy nhiên, qua kiểm tra một số điểm có thể nhận thấy san hô tại khu vực Hòn Sẹo bị gãy và trôi vào bờ rất nhiều.
Qua xem xét các dấu tích, các chuyên gia cũng dễ dàng nhận thấy san hô tại khu vực này bị chết là do tác động của sóng gió.
Vào cuối năm 2021 có bão lớn nên không chỉ riêng khu vực Hòn Sẹo mà san hô một số khu vực thuộc xã Nhơn Hải và xã Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn) cũng bị chết.
“Tôi cho rằng thông tin san hô tại Hòn Sẹo bị khai thác trái phép là chưa chính xác. Vì qua kiểm tra thực tế, san hô ở đây có chết nhưng không phải là dấu vết của việc đào, bẻ san hô,” bà Bình nói.
Bà Nguyễn Hải Bình cũng đề xuất, đối với khu vực ít chịu tác động của thiên nhiên và có thể bảo vệ rạn san hô được thì giao cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương quản lý, bảo vệ; đồng thời đặt phao tiêu, đặt biển cảnh báo để người dân không vào khai thác trái phép hoặc hạn chế đi lại khu vực này.
Về lâu dài, chính quyền địa phương và ngành chức năng sẽ xây dựng khu bảo tồn loài và sinh cảnh tại khu vực vịnh Quy Nhơn để bảo vệ rạn san hô.
Trong ngày 13/4, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý tiến hành quan trắc rạn san hô tại khu vực Bãi Dứa, đây là khu vực đã được giao cho Tổ quản lý, bảo vệ từ năm 2020.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý, qua một buổi quan trắc khu vực Bãi Dứa cho thấy, rạn san hô cứng và san hô mềm tại đây phát triển hơn so với năm trước; các loài thủy sản như cá dìa, cá chim cũng phong phú hơn so với cùng kỳ năm trước.
“Chúng tôi cũng đã chuẩn bị các phao tiêu, biển báo để tiến hành đặt tại khu vực Bãi Dứa này khi thời tiết thuận lợi để các đơn vị dịch vụ đưa khách du lịch ra đây lặn ngắm san hô đảm bảo, không làm ảnh hưởng đến rạn san hô,” ông Xuân thông tin.
Vũ Thành