Long An: Nhà máy nước Nhị Thành xả gần 500.000 m3 nước ứng cứu sản xuất nông nghiệp
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:30, 20/03/2020
Bắt đầu từ giữa tháng 2, UBND tỉnh Long An, Sở NN&PTNT đã phối hợp cùng nhà máy nước Nhị Thành (công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP – Long An) và triển khai công tác bơm nước cứu lúa vụ Đông Xuân 2019 – 2020 cho 2 huyện Thủ Thừa và Tân Trụ, đồng thời vận động các hộ dân tổ chức đắp đập tại các kênh, rạch bơm chuyền nhiều cấp để đưa nước vào đồng ruộng giải cứu số diện tích sản xuất nông nghiệp đang có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước ngọt. Tính đến ngày 16/3, nhà máy nước Nhị Thành đã xả được gần 500.000 m3 nước thô để ứng cứu các hoạt động sản xuất nông nghiệp cho tỉnh.
Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn có khả năng diễn biến gay gắt, nghiêm trọng tới trong mùa khô năm 2019 – 2020. Cụ thể, nhận định khu vực sông Vàm Cỏ, ảnh hưởng bắt đầu từ tháng 1/2020, cao nhất vào các tháng 2, 3, 4/2020, tăng dần và kết thúc vào cuối tháng 5/2020. Cửa sông Vàm Cỏ Đông có phạm vi xâm nhập 100 km, cao hơn trung bình nhiều năm 40 km, có khả năng cao hơn năm 2016 hơn 3 km. Sông Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập 110 km, cao hơn trung bình nhiều năm 52 km, có khả năng cao hơn năm 2016 khoảng 5 km.
Tình trạng hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở Long An
Gia đình ông Nguyễn Phú Cường ngụ tại ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa cũng cứu được 2.500 m2 diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch nhờ được cung cấp nước kịp thời. Ông hy vọng UBND tỉnh Long An và các huyện trên địa bàn sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp các trạm bơm, tuyến ống để đảm bảo lượng nước ngọt cấp thường xuyên cho địa bàn ứng phó với các mùa hạn, mặn sắp tới.
Thời gian tới, UBND tỉnh Long An, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục cùng nhà máy nước Nhị Thành tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường theo dõi cập nhật tình hình xâm nhập mặn để chủ động ứng phó hạn mặn, bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020 và vụ Hè Thu 2020.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An đánh giá: Tình hình hạn, xâm nhập mặn 2019 – 2020 đến sớm hơn 15 ngày so với xâm nhập mặn lịch sử 2015 – 2016, độ mặn 4 gam/lít và 1 gam/lít trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây vượt hơn năm 2016 trên dưới 20 km. Dự báo, trong thời gian tới, hạn, xâm nhập mặn sẽ diễn ra rất gay gắt, khốc liệt. Vụ Đông Xuân 2019 – 2020, nông dân Long An đã gieo sạ trên 226 nghìn ha. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hạn, mặn đang làm cho 13 nghìn ha lúa Đông Xuân, hơn 11 nghìn ha rau màu, cây ăn trái thiếu nước sản xuất nghiêm trọng. Huyện Tân Trụ và phía Nam huyện Thủ Thừa là hai địa phương có diện tích lúa chịu ảnh hưởng thiếu nước ngọt nghiêm trọng nhất.
Ứng phó với tình trạng trên, UBND tỉnh Long An đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 2. Các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để thực hiện ứng phó, khắc phục trong thời gian diễn ra thiên tai xâm nhập mặn được thực hiện theo tình huống khẩn cấp.
Theo đó, UBND tỉnh Long An giao Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.
UBND tỉnh nhấn mạnh, để giảm tổn thất ở mức thấp nhất cho khoảng 13 nghìn ha lúa Đông Xuân và hơn 11 nghìn ha cây ăn trái tại các địa phương, các ban ngành liên quan cần chung tay với người dân và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp thoát nước, dồn sức nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các kênh thủy lợi nối các sông chính. Đồng thời tổ chức bơm nước chuyền qua nhiều cấp để đưa nước cứu lúa và vườn cây ăn trái. Việc bơm chuyền nước ngọt từ các sông chính vào hệ thống thủy lợi cấp một và bơm chuyền qua nhiều cấp là giải pháp hữu hiệu nhất đang được triển khai thực hiện tại các địa phương.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai cấp nước sinh hoạt cho người dân
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, chung tay cùng người dân trên địa bàn ứng phó hạn mặn, nhà máy nước sạch Nhị Thành đã bơm nước từ hệ thống kênh Rạch Chanh (Long An) theo đường ống cấp nước của công ty, xả nước thô vào các kênh, rạch trên địa bàn huyện Thủ Thừa với lưu lượng khoảng 1.000 m3/giờ để bổ sung nguồn nước ngọt cứu lúa phía Nam huyện Thủ Thừa và huyện Tân Trụ. Ngoài ra, trung tâm Quản lý khai thác công tình thủy lợi Long An cũng phối hợp với DNP – Long An, khảo sát thống nhất chọn vị trí (kênh, rạch) để tiến hành bơm xả nước thô, cử cán bộ phối hợp với địa phương và Công ty giám sát, xác nhận khối lượng nước xả vào các kênh rạch, thời gian bơm. Đồng thời tăng cường theo dõi, câp nhật thông báo chất lượng nước của Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, thường xuyên kiểm tra độ mặn để tranh thủ bơm tích nguồn nước ngọt tối đa vào nội đồng phục vụ sản xuất tại địa phương.
Với tổng khối lượng nước xả lên đến gần 500.000 m3 nước thô bơm từ kênh Rạch Chanh đã phần nào hỗ trợ, xử lý được vấn đề thiếu nước nghiêm trọng cho hàng ngàn hecta lúa và vườn cây ăn trái. Đánh giá công tác phối hợp phòng chống hạn mặn tại Long An, ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An nhận định: “Việc phối hợp nhanh chóng và triệt để của các nhà máy nước đã kịp thời cấp nước cho hàng ngàn ha lúa đang kỳ trổ đòng và vườn cây ăn trái có nguy cơ cháy khô, cứu nguy cho diện tích nông nghiệp trên địa bàn, giúp tránh thiệt hại hàng chục tỉ đồng”.
Gắn bó với cây lúa đã hàng chục năm nay, thuộc nằm lòng quy luật của thiên nhiên nhưng trước đợt hạn mặn lịch sử, ông Lê Quang Yến ngụ tại ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cũng đành bất lực nhìn những trà lúa héo khô từng ngày. Ông Yến chia sẻ, nguồn nước bơm chuyền từ kênh rạch vào nội đồng của nhà máy nước Nhị Thành đã cứu gia đình ông khỏi nguy cơ mất trắng hơn 7.000 m2 lúa đang chuẩn bị thu hoạch. “Nếu không có nguồn nước tưới tiêu ứng cứu kịp thời thì toàn bộ các hộ trong khu vực tôi sinh sống đã trắng tay vì lúa và cây ăn trái chết héo trong đợt hạn, mặn khủng khiếp này”, ông nói.
Hoàng Linh (T/h)