Campuchia dừng xây đập thủy điện trên sông Mekong trong 10 năm tới
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 02:00, 20/03/2020
Ngày 18.3 ông Victor Jona, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Khai khoáng và Năng lượng Campuchia, cho biết chính phủ nước này đang làm theo một nghiên cứu mới do Nhật Bản tư vấn về việc tìm nguồn năng lượng thay thế. “Trong kế hoạch 10 năm tới, từ 2020 – 2030, chúng tôi dự tính sẽ không phát triển đập thủy điện”, ông Jona nói.
Campuchia trước đó công bố kế hoạch xây hai đập tại Sambor và Stung Treng, nhưng cả hai dự án đều đang bị hoãn. Quyết định của Campuchia đồng nghĩa với việc Lào, nước đã mở hai đập mới trên dòng chính sông Mekong trong 6 tháng qua, là quốc gia duy nhất ở hạ lưu sông Mekong có kế hoạch phát triển đập thủy điện trên sông.
Đập thủy điện Hạ Sesan 2 tại tỉnh Stung Treng ở Campuchia được xây trên sông Tonle San, phụ lưu lớn của sông Mê Kông
Điện từ đập thủy điện mới hoàn thành Don Sahong ở Lào hiện đang được bán cho Campuchia theo một hợp đồng 30 năm.
Theo Reuters, Campuchia gặp thách thức về thiếu điện, năm 2019 là một năm thiếu điện tồi tệ nhất ở quốc gia này do nhu cầu về năng lượng tăng cao liên quan đến bùng nổ xây dựng các dự án do Trung Quốc đầu tư.
Thủy điện cung cấp khoảng 48% sản lượng điện tại Campuchia, theo Công ty điện lực Electricite du Cambodge.
>>>Xem thêm:Trung Quốc xả đập thủy điện trên sông Mekong: Nước khó tới được ĐBSCL
Với nhu cầu tăng nhanh, Campuchia đã nhập khẩu khoảng 25% lượng điện vào năm ngoái, phần lớn từ Việt Nam và Thái Lan.
Sông Mekong có tổng chiều dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, các đập thuỷ điện trên thượng nguồn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Mai An (t/h)