Ninh Thuận: Người dân khoan giếng sâu 100m tìm nước tưới cây

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:00, 12/03/2020

Moitruong.net.vn – Nắng hạn ngày càng gay gắt, để cứu cây trồng, nhiều nông dân ở xã Nhơn Hải, Ninh Hải (Ninh Thuận) thuê kỹ sư và công nhân lắp đặt giàn khoan sâu hàng trăm mét để tìm nước.

Một người dân tên là Nguyễn Chung ở xã Nhơn Hải, cho biết: “Từ đầu tháng 2 đến nay, nước tưới ngày càng thiếu hụt, tôi bỏ ra 40 triệu đồng để khoan giếng; đầu tư thêm chục triệu nữa mua ống nước gắn với máy bơm lắp đặt từ giếng khoan dẫn đến rẫy dài hơn 2 km, mới có ít nước để cứu vãn mấy sào trồng hành tím. Mỗi tháng, chi thêm hai triệu đồng tiền điện cho hai máy bơm nước, phải vay nợ để xoay sở”.

Nhiều tháng qua, giếng nước của hộ anh Lâm Học Mười ở thôn Mỹ Tường 2 hết nước, để cứu vãn tám sào (8.000m2) trồng cây hành tím gần thu hoạch, anh phải đi xin nước giếng khoan của một số hộ lân cận để tưới. Cách đây vài ngày, anh Lâm thu hoạch xong, bỏ ra 70 triệu đồng khoan một giếng sâu hơn 100 mét để lấy nước chuẩn bị xuống bốn sào trồng dưa đỏ.

Giếng khoan thứ hai của hộ chị Võ Thị Kim Liên, thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải khoan sâu hơn 100 m, có tín hiệu tìm được nguồn nước mới để tưới cho cây trồng

Nhiều nông dân cho biết, những năm trước đây, chỉ khoan sâu xuống lòng đất từ 40 đến 50 mét thì tìm được nguồn nước để sản xuất. Nay, phải khoan sâu từ 100 đến 150 mét, mới mong có nước. Nhiều hộ khoan từ hai đến ba giếng nhưng vẫn không tìm được nguồn nước, vừa mất tiền nhưng cũng không cứu được cây trồng, rất đau xót.

Nhiều hộ không muốn mạo hiểm khi bỏ ra hàng trăm triệu để khoan giếng mới, nhưng không tìm được nguồn nước mới, đã nghĩ ra cách thuê kỹ sư và công nhân của Công ty Cơ khí Quang Trung, tỉnh Đồng Nai lắp đặt giàn khoan tiếp tục khoan sâu hơn nữa trên nền giếng cũ để tìm nguồn nước ngầm sâu hơn, tuy chi phí cao, nhưng khả năng tìm được nước khả thi hơn. Đồng thời các hộ được phía đối tác cho khoanh nợ, đợi đến khi thu hoạch xong mới trả.

Từ tháng 2 đến nay, hai giếng khoan vào năm 2018 với độ sâu 40m của hộ chị Võ Thị Kim Liên ở thôn Mỹ Tường 1 đã hết nước sau vài mùa vụ sản xuất, để cứu năm sào trồng nho, năm sào trồng cỏ và lấy nước cho đàn bò uống, nay, chị Liên thuê Công ty Cơ khí Quang Trung đến lắp giàn khoan, tiếp tục khoan sâu thêm từ 100-150 mét trên nền của hai giếng cũ, chi phí hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, một giếng khoan đã có nước, giếng khoan thứ hai khi khoan đến độ sâu khoảng 100m, có dấu hiệu tìm được mạch nước mới. Chị Liên cho biết, giếng khoan thứ nhất sâu 150 mét, có nước nhưng không nhiều. Hy vọng giếng khoan thứ hai sẽ có nước nhiều hơn, vì năm sào nho lúc lỉu trái đang thời kỳ chín, nếu mất nước, quả nho sẽ rụng rụi cả giàn.

Chị Liên bộc bạch: “Tôi hết tiền nhưng được Công ty Cơ khí Quang Trung khoanh nợ đợi thu hoạch xong, bán nho mới trả nợ, cho nên hy vọng năm sào nho sẽ không bị khát nước cho đến khi thu hoạch”.

Nông dân Nguyễn Chung ở xã Nhơn Hải bơm nước từ giếng khoan dẫn về giếng chứa để bơm tiếp vào rẫy tưới cách xa 2 km

Anh Phạm Gia Huy, Công ty Cơ khí Quang Trung cho biết, đã đi rất nhiều tỉnh, thành phố để khoan giếng, nhưng khi đến xã Nhơn Hải, với kinh nghiệm bản thân, thì địa chất vùng này không như những tỉnh khác, những túi nước ngầm được tích tụ ở nhiều tầng khác nhau. Lâu nay, người dân nơi đây khoan sâu xuống lòng đất từ 40-50m và tìm được nguồn nước ngầm vì những túi nước ấy nằm dưới tầng địa chất đơn thuần là đất hoặc đất có ít đá xen kẽ, cho nên nguồn nước ngầm tích trữ không nhiều. Khi bơm tưới được vài mùa sản xuất, các túi nước ngầm ở tầng này đã hết. Nay với công nghệ khoan tốt hơn, khi khoan sâu từ 100-150m hoặc hơn nữa, thì sẽ khai thác được nhưng túi nước ngầm mới, nằm sâu hơn dưới tầng địa chất mà lâu nay công nghệ khoan bình thường không khoan đến được, nên nguồn nước ngầm sẽ nhiều hơn trước đây.

Anh Huy tâm sự: “Tôi đến đây đã ba tuần và khoan 10 giếng nước có độ sâu từ 100 m trở lên. Trong số giếng khoan, có ba cái có nước rất ít, các giếng còn lại nước nhiều. Trong tình cảnh nắng nóng, khô hạn thế này, nhiều hộ rất khó khăn, nên khi khoan giếng xong, tôi chia sẻ bằng cách khoanh nợ cho đến khi bà con thu hoạch xong mùa vụ này thì trả cho tôi”.

Khu vực Hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải

Xã Nhơn Hải hiện có trên 180 ha đất canh tác, trong đó, cây hành tím khoảng 80 ha, cây nho gần 45 ha, còn lại là những cây trồng khác, trong đó, khu vực Hồ Ông Kinh có trên 90 ha hoa màu đang canh tác. Để chủ động ứng phó với hạn hán, nông dân đã có nhiều cách làm như: đào ao, khoan giếng ngầm, xây bể chứa nước, đào ao trải bạt để nước không bị thẩm thấu qua đất, giữ nước tưới cho cây trồng. Hiện nay, trên địa bàn xã có số lượng giếng khoan và giếng đào nhiều nhất tỉnh với trên 530 giếng khoan có độ sâu từ 30 đến 100 m; 190 giếng đào tay để phục vụ tưới cho 98 ha cây trồng và nước uống cho đàn gia súc gần 5.800 con.

Năm nay hạn hán đến sớm quá, hầu như các giếng đào của bà con đã cạn hết, hiện nay bà con đã khoang giếng, có nhà 3, 4 giếng khoang với độ sâu từ 40 đến 100 mét để cứu cây trồng, tuy nhiên nhiều giếng khoang cũng không có nước.

Nhờ chủ động triển khai các biện pháp tìm kiếm nguồn nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân của nông dân xã Nhơn Hải đã giúp cây trồng phát triển tốt trong điều kiện hồ Ông Kinh không còn nước. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước ngầm cũng đã dần cạn kiệt, UBND xã Nhơn Hải khuyến cáo bà con không mở rộng diện tích sản xuất vụ Hè Thu mà tận dụng nguồn nước còn lại để tưới các cây trồng lâu năm, trồng cỏ và cho gia súc uống.

Vân Khánh (T/h)

Vân Khánh (T/h)