Hạn hán kéo dài, người dân Đắk Lắk chắt chiu từng giọt nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:00, 12/04/2020

Moitruong.net.vn – Hạn hán đang diễn ra khốc liệt ở các huyện phía Đông nam của tỉnh Đắk Lắk. Riêng ở huyện Ea Kar, tình trạng thiếu nước tưới ngày càng lan rộng.

Mùa khô Đắk Lắk đến sớm khiến hàng nghìn hecta cây trồng đứng trước nguy cơ thiếu nước. Thực tế, hàng trăm hecta cây trồng đã bị nắng trời thiêu đốt, nông dân cắt bỏ cho bò.

Nông dân bơm nước giếng cứu lúa nhưng không đủ nước

Lúa trên cánh đồng 714 ở huyện Ea Kar đám thì đang ngậm sữa, đám đã chín. Nhiều thuở ruộng lúa đã chết khô khi đang trổ bông. Ông Cao Quang Vinh, phó giám đốc hợp tác xã (HTX) Đội 5, cho biết HTX có 383 ha lúa. Những năm trước vụ đông xuân năng suất lúa ở cánh đồng này cao nhất huyện, đạt 10 đến 11 tấn/ha. Toàn bộ cánh đồng đều được trạm bơm hút nước từ sông Krông Pách lên tưới, chưa khi nào bị thiếu nước. Năm nay hạn hán khốc liệt, dòng sông Krông Pách trở thành sông chết, chỉ còn lại những vũng nước tù đọng, đứt quãng.

Ông Cao Quang Vinh nói: “Hiện tại hợp tác xã đang huy động máy bơm nhỏ đi vét dòng sông về để bơm. Trong đó, riêng diện tích của HTX thì năng xuất có chỗ giảm đi 70%, có chỗ giảm 50%. Đó là những diện tích gần mương có thể cứu được vì gần nước. Hiện tại một số vị trí cuối cánh đồng là không có nước để bơm”.

Anh Hoàng Văn Mười, phó Trưởng phòng Kế hoạch Công ty 716 cho biết: Công ty 716 có 150 ha cà phê, nhưng hiện 7 ha cà phê tái canh đã chết khô, không thể phục hồi, số còn lại năng suất cũng sẽ giảm 30 đến 40%. Đặc biệt, vụ đông xuân này Công ty gieo cấy 500 ha lúa, trong đó có 90 ha ruộng sản xuất lúa giống. Thời điểm hiện tại, nước đã cạn kiệt, các trạm bơm, giếng khoan đều đã không còn nước. Công ty 716 đã mua thêm 3 máy bơm đi động, trị giá gần 1 tỉ đồng để hút những vũng nước đọng lại trên sông, dồn về trạm bơm cứu lúa.

“Chúng tôi phải tự lực tự cường, phải tát từng khúc sông một. Dùng máy cô le, máy dầu chuyển dần nước về trạm bơm để mình tát. Khi không còn nước nữa thì phải đầu tư 3 máy điện xuống từng vũng một để đưa nước lên. Đến giờ này thì diện tích lúa đã gặt chưa được 20 ha . Như vậy vẫn riếp tục chống hạn. Dự kiến 10 đến 15 ngày nữa thì bắt đầu thu hoạch các diện tích còn lại”, anh Mười cho hay.

Ruộng lúa nứt toác

Không chỉ thiếu nước tưới cho cây trồng, mà nhiều giếng đào, giếng khoan của người dân ở thôn 1A, thôn 2B và 2C của xã Ea Ô cũng đã khô nước. Người dân ở đây phải chắt chiu, chia sẻ từng thùng nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Xã Ea Ô có 2.900 hộ gia đình, ngoài làm lúa nước bà con còn trồng cà phê, hồ tiêu và cây điều. Đến thời điểm hiện tại, hạn hán đã làm gần 100 ha lúa mất trắng, chết 17 ha cà phê, 10 ha tiêu và 47 ha điều.

Bà Vũ Thị Sen, phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô nói rằng, trên địa bàn, hàng chục năm lại đây chưa năm nào hạn hán diễn ra khốc liệt như năm nay: “Nếu như 10 ngày nữa mà trời không có mưa thì trên địa bàn xã Ea Ô diện tích bị hư hỏng còn tăng lên nhiều hơn nữa. Cụ thể đối với diện tích cây điều thì chắc chắn sẽ bị khô trái, thất thu vụ ngay trước mắt. Còn cây cà phê thì nếu có giữ được cây cũng không có thu hoạch. Còn lúa thì đến nay đã mất gần 70 ha. Và khoai, nhất là khoai đang trong thời kỳ phát củ sẽ ảnh hưởng lớn, sẽ thất thu cây khoai, còn cây ngô thì đã xoá sổ”.

Ruộng lúa cháy khô bên mương cạn nước

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Kar đến thời điểm này đã có 2.600 ha cây công nghiệp, 1.800 ha lúa nước và 1.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán. Trong đó nhiều diện tích lúa mất trắng, hàng trăm ha cây công nghiệp bị chết.

Ông Lê Đình Chiến, phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, ngay từ đầu mùa khô UBND huyện đã thành lập tổ chuyên trách phòng chống hạn, cùng với chức năng điều tiết nước, hỗ trợ vật tư chống hạn, tổ còn vận động nhân dân tiết kiệm nước tưới, chia sẻ nước sinh hoạt.

“Giải pháp thì hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu trên dòng Krông Năng khảo sát 3 điểm để làm các đập. Chúng tôi sẽ xả hồ 333 vì hồ này tích nước chỉ làm nhiệm vụ cho nhà máy đường. Do đó sẽ lấy hồ này xả ra dòng Krông Năng ứng cứu c ho nhân dân ở Ea Đa, Ea Sô và Ea Sa. Chúng tôi cũng đề nghị sở Nông nghiệp xem xét bố trí kinh phí và cùng với kinh phí của huyện làm các đập dâng chống hạn”.

Mực nước sông, suối trên địa bàn Đắk Lắk giảm mạnh

Hiện tại, nước mặt của các dòng sông lớn như sông Krông Năng, sông Krông Pách đã cạn kiệt; các hồ thuỷ lợi như hồ Lồ Ô xã Cư Bông, hồ Buôn Ea Knốp, hồ Ea Ngao đã trơ đáy. Mực nước ngầm cũng tút sâu hơn 2,5 mét so với mọi năm. Trong khi hạn hán vẫn tiếp tục diễn ra, người dân phải chắt chịu từng giọt nước và mong chờ cơn mưa đầu mùa.

Hoài Thu (T/h)

Hoài Thu (T/h)