Chuyện rau xanh, nước ngọt ngoài “pháo đài thép” – Kỳ 2: Chuyện Nước ngọt ở “Pháo đài thép”

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:32, 04/04/2020

Moitruong.net.vn – “Đong nước vào can chia phần cho bộ đội ngồi trong chậu tắm, nước thải để tưới rau”, công việc “đặc biệt” ấy chỉ có ở nhà giàn DK1. Giữa biển mênh mông, nhớ đất liền “cháy lòng”, thèm hơi ấm bàn tay người vợ trẻ, tiếng trẻ bi bô gọi bố trước lúc lên đường. Ở nơi tận cùng gian khó ấy, bộ đội nhà giàn vẫn kiên cường trụ vững với ý chí “còn người còn nhà giàn”.

Tắm gió, tắm chậu

Để tìm hiểu ngọn ngành “công nghệ tiết kiệm nước ngọt” ở nhà giàn DK1 những ngày đầu xây dựng, tôi đến nhà Trung tá Trang Hải Âu, nguyên chỉ huy trưởng DK1 Phúc Tần. Trung tá Âu là “tấm thẻ số 1” trong sáng tạo cho bộ đội “tắm kiểu em bé”, tức là ngồi vào chậu tắm, nước thừa dồn lại để tưới rau. “Cả nhà giàn chỉ 30-40 khối nước ngọt cho 6 tháng mùa khô, chỉ dùng nấu ăn cũng chưa đủ  nói gì đến tắm giặt. Tôi đã nghĩ ra cách cho anh em ngồi vào chậu tắm và không dùng dầu gội, xà bông. Tất cả nước rửa mặt, nước thải để tưới rau”, anh Âu cho biết.

>> Xem thêm: Chuyện rau xanh, nước ngọt ngoài “pháo đài thép” – Kỳ 1: Rau xanh trên sóng nhà giàn

Những năm 1994-2009, 15 nhà giàn DK1 chưa được nâng cấp sửa chữa “hai thân” như hiện nay. Mỗi nhà giàn đều có bồn dự trữ nước ngọt chừng 30-40 khối. Số nước ấy được chia dùng cho cả năm. Vào tháng 3 hàng năm, các nhà giàn được cấp nước ngọt chở ra từ đất liền bơm từ tàu lên theo hệ thống ống nước. Nước do “quân nhu” cấp dù tiết kiệm lắm cũng không đủ dùng, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu hứng từ mưa trời.

Nước ngọt ở Nhà giàn DK1 hiếm hoi, rửa tay cũng dè xẻn từng ca nhỏ

Bắt đầu ăn Tết Nguyên Đán xong, thời tiết ở nhà giàn vô cùng khắc nghiệt, đây cũng là thời gian ráo riết tiết kiệm nước ngọt nhất. Để “công bằng”, chỉ huy nhà giàn đã lên “kế hoạch tắm” cho bộ đội. Mùa mưa ba ngày tắm 1 lần, mùa khô tuần tắm 1 lần. “Công nghệ” tiết kiệm xuất phát đầu tiên ở nhà giàn Phúc Tần 3 được Trung tá Trang Hải Âu đổ nước ngọt vào can nhựa 30 lít cấp cho từng người. “30 lít ấy cho cả tắm, giặt, rửa mặt, đánh răng trong một tuần. Tôi lệnh: “Phát cho các đồng chí 5 lít thì thu về 3 lít nước thải để tưới rau. Các đồng chí ngồi vào chậu tắm theo kiểu em bé, hoặc dùng bao nilon căng bốn góc rồi ngồi vào trong, người nọ kỳ lưng cho người kia. Nước sạch chỉ lau sau cùng”, Trung tá Âu hồi tưởng lại.

Ý thức được việc tiết kiệm nước ngọt, các chiến sĩ đã đổ nước ngọt vào cái ấm sắt 5 lít rồi ngồi vào chậu nhôm. Người nọ cầm ấm tưới lên đầu cho người kia. Lít nước đầu tiên làm ướt da, kỳ ghét, hai lít tiếp theo dội cho sạch ghét, hai lít cuối cùng tắm sạch. Nước thải ra dồn lại đổ vào một thùng để tưới rau

Nước vo gạo rửa mặt, nước biển rửa cá

Do không đủ nước ngọt dùng, bộ đội nhà giàn đã nghĩ ra cách “rửa bát sau khi ăn cơm, làm cá bằng nước biển”. Trong 15  nhà giàn, có DK1/14 bị nghiêng 15 độ do “sự cố” va chạm từ tàu hàng nước ngoài trong đêm giữa năm 1994. Đây là nhà giàn hiếm nước ngọt nhiều nhất.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/14 đã nghĩ ra cách dùng dây thừng buộc vào cái can nhựa rồi thả xuống biển kéo nước lên. Nước biển mặn dùng để rửa bát, rửa cá và dội sạch chỗ làm thức ăn. Kinh nghiệm “nước biển rửa cá” của nhà giàn DK1/14 đã được truyền đi khắp 14 nhà giàn khác. Nhà giàn nào cũng có một cái phuy nhựa đựng nước biển dự trữ dùng dần.

Khi trời mưa, các chiến sĩ nhà giàn đựng trên trần nhà để tắm dần

Giữa tận cùng gian khó lại “ló cái khôn”. Để tóc không xơ cứng và da mặt đỡ sạm nắng, có chiến sĩ dùng nước vo gạo để rửa mặt. Nhiều hôm sau những bài chiến thuật “lăn, lê, bò, trườn” hoặc huấn luyện phương án sẵn sàng chiến đấu, phương án rời trạm, mồ hôi nhễ nhại, anh em rủ nhau lên sân thượng ngồi tắm gió, người này kỳ ghét cho người kia, ghét ra bở như vỏ khoai lang.  Cũng có chiều mặt biển yên sóng, anh em nhảy ùm xuống biển bơi quanh chân đế nhà giàn, nước ngọt chỉ tráng sau cùng. Họa lắm mới có cơn mưa trái mùa, anh em chạy ào ra tắm. Người lấy xô, người mang chậu, tận dụng tối đa những vật dụng có thể để hứng nước mưa. Việc rửa nhà, lau sàn, vệ sinh nhà bếp cũng chỉ rửa vào những ngày mưa rào như thế.

Do khan hiếm nước ngọt nên cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 trong sinh hoạt hàng ngày chủ yếu mặc quần đùi áo lót. Quần áo quân phục chỉ mặc trong những ngày Tết, hoặt khi có đoàn khách từ đất liền ra thăm vào tháng 3 tháng 4 hằng năm. Những lúc ấy, anh em như khoác trên mình màu áo mới, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Có khi cả năm mới mặc quần áo quân phục và giặt một lần.

Hàng dự trữ chiến đấu

Khác với Trường Sa, mưa ở vùng biển thềm lục địa phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các tháng có mưa bão và sóng lớn. Những nhà giàn có sân bay hứng được nhiều nước hơn vì diện tích sân thượng rộng hơn, bể chứa đến 60 khối. Ở những nhà giàn thế hệ cũ không có sân bay, bể chứa nhỏ hơn. Mùa khô, 3 đến 4 tháng không có một giọt mưa, nhưng mùa mưa bão có thể mưa suốt đêm ngày. Téc nước đầy phải xả bớt xuống biển vì sự an toàn của nhà giàn.

Thiếu úy Nguyễn Hùng Cường, Chính trị viên DK1/6 cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, tất cả các loại lương thực thực phẩm, nước ngọt đều xếp vào mặt hàng dự trữ chiến đấu. Mùa mưa nước nhiều cũng tắm giặt theo định mức. Nhiều khi nước ở bồn gỉ sét dầy cả gang tay nhưng cũng không giám xả đi. Bây giờ có bồn lọc, nhưng nước trong bồn vẫn là hàng dự trữ chiến đấu”.

Mỗi lần có khách từ đất liền ra thăm, chiến sĩ nhà giàn vẫn giành riêng một chậu nước ngọt trong vắt để sẵn nơi cầu thang cho khách rửa tay nhưng không quên lời dặn “nước rửa tay dồn lại tưới rau”.

Có một điều kỳ lạ là, mặc dù hiếm nước ngọt, nhưng rau xanh ở nhà giàn rất xanh tốt. Anh Cường bật mí rằng, trồng rau xanh ở nhà giàn không hề có thuốc kích thích. “Rau xanh mướt là do chúng tôi chôn cá tươi xuống đáy bồn rau. Tất cả nước thừa miễn là không nhiễm xà bông và nước mặn đều dồn lại tưới rau. Nhờ có nước thừa ấy mà chúng tôi có rau ăn hằng ngày”.

Anh Cường kể, từ khi nhà giàn thế hệ thứ ba (nhà giàn hiện đại hai thân hiện nay-PV) ra đời, bộ đội không phải “bận tâm” với nước ngọt nữa. 14/15 nhà giàn (trừ nhà giàn DK/10) thường xuyên cung cấp nước ngọt cho các tàu cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản quanh khu vực. “Mỗi lần như vậy, các ngư dân rất vui mừng. Họ gọi nhà giàn là nhà tình nghĩa. Chúng tôi coi như dân như người thân trong nhà”, anh Cường chia sẻ.

Thiếu úy Cường đưa tờ giấy viết tay cho tôi xem có đề bài thơ: Nước ngọt ở nhà lô. Tờ giấy gấp nhàu. Những vần thơ vừa xúc động vừa chân thực như cuộc sống của anh nơi đầu sóng ngọn gió: “Anh ở nhà lô/ nước ngọt được cấp một xô mỗi ngày/ đánh răng rửa mặt, rửa tay/ phần thừa dồn lại cuối ngày tưới rau”, rồi cười hà hà: “Giờ không hiếm nước ngọt như trước nữa, nhưng nó vẫn là hàng dự trữ chiến đấu dài ngày”.

Mai Thắng

Mai Thắng