Ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:27, 26/02/2016

(Moitruong.net.vn)

images1468907_images1467980_a2

Thông báo cho biết: Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh, kéo dài kỷ lục, thời tiết, thiên tai diễn biến hết sức bất thường, cực đoan. Tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, nắng nóng kéo dài, đến đầu tháng 2 năm 2016 lượng nước trữ trong các hồ chứa ở mức rất thấp, một số hồ chứa dung tích nhỏ đã bị khô cạn; hạn hán, thiếu nước đã xảy ra gay gắt trong vụ Đông Xuân 2015-2016, hàng chục nghìn ha đất tiếp tục phải dừng sản xuất, trong đó có những vùng đã phải dừng sản xuất 5 – 6 vụ liên tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Thời gian tới vẫn là những tháng cao điểm mùa khô (khu vực Tây Nguyên có thể kéo dài tới tháng 6, khu vực Nam Trung Bộ tới tháng 9/2016), hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và kéo dài, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu và ngay cả nước cho sinh hoạt của người dân tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Việc triển khai các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán là hết sức cấp bách.

images1468908_images1468274__nh_3

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, tập trung chăm lo cho đời sống nhân dân với phương châm không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài. Chủ động có các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn huyện, xã để giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất, cuộc sống của nhân dân, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.

Kịp thời có các giải pháp cấp bách, các giải pháp tổng thể, căn cơ, dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp đồng bộ để chủ động đối phó với hạn hán và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.

Các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung nguồn lực (bao gồm cả nguồn vốn vay ODA, vốn trái phiếu Chính phủ) cho công tác phòng, chống hạn hán trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, kịp thời. Cần xác định đây là thiên tai, phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời với trách nhiệm cao, không để quy trình thủ tục kéo dài; những nội dung, chính sách hỗ trợ đã có trong quy định, cần tạm ứng kinh phí giải quyết ngay, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Tỉnh ủy cần có ngay văn bản chỉ đạo phòng, chống hạn hán trên địa bàn, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc ứng phó với hạn hán. Các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với hạn hán: chủ động di chuyển đàn gia súc đến nơi có điều kiện về nguồn nước, đảm bảo thức ăn, nước uống cho gia súc; huy động các lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện tham gia phòng, chống hạn (nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm, đào ao, hồ, giếng, vũng, v.v…); theo dõi diễn biến nguồn nước để chỉ đạo vận hành các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi, tranh thủ điều kiện thuận lợi để lấy nước và trữ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo, thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, lưu lượng dòng chảy, tình hình hạn hán trong ngắn hạn, dài hạn làm cơ sở cho các cơ quan, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước trữ ở các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện, dự báo diễn biến hạn hán, thiếu nước tại từng lưu vực sông để thông báo cho các địa phương làm cơ sở chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chế độ canh tác phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc. Chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng do hạn hán, nắng nóng kéo dài.

Về lâu dài, do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhất là khu vực Nam Trung Bộ sẽ rất khó khăn về nguồn nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chủ động thích nghi với hạn hán; tiếp tục ưu tiên đầu tư các hệ thống thuỷ lợi, nâng cấp, xây dựng bổ sung các hồ chứa nước chủ động tích nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm để sử dụng hiệu quả, hạn chế thất thoát tài nguyên nước.

(Theo TN&MT)