Làm thạch cao nhân tạo từ phế thải phân bón
Sản phẩm mới - Ngày đăng : 09:33, 24/01/2017
– Từ bãi thải GYPS cực độc của Nhà máy phân bón DAP Vinachem ở KCN Đình Vũ, Hải Phòng, các nhà khoa học của Công ty TNHH Ngọc Linh ở Hà Nội đã dùng công nghệ để chế biến thành thạch cao nhân tạo, vừa góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra phụ gia trong sản xuất xi măng có giá thành bằng ½ nhập ngoại.
“Quả bom” môi trường đã có nút gỡ
Theo con đường 356 xuyên đảo Đình Vũ, bãi thải GYPS của của Nhà máy sản xuất phân bón DAP nằm gần cuối đảo chất thành đống cao ngất như một ngọn núi một màu xám bạc bên các nhà xưởng sản xuất, bãi cảng. Quả núi chất thải này được người ta cắt thành 5 tầng “bậc thang”, mỗi tầng được đắp như một con đê bao quanh. Trên sườn của núi thải, một số chỗ bị xói lở thành khe bởi nước từ trên chảy xuống.
Núi GYPS này bắt đầu hình thành từ năm 2009, sau khi Nhà máy sản xuất phân bón DAP đi vào hoạt động. Bãi thải lớn dần theo thời gian và trở thành nguồn thải gây ô nhiễm cho toàn bộ khu vực. Ngày nắng, bụi từ bãi thải phát tán ra chung quanh. Ngày mưa, nước từ bãi thải chảy xuống mương thoát rồi tràn ra ngoài. Nguồn nước thải tràn ra từ bãi GYPS này được xem như thủ phạm ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thuỷ sản. Những hồ đầm nuôi trồng thuỷ sản ở quanh khu vực trước đây đã nhiều lần xuất hiện tình trạng cá chết. Ngay cả những bãi nuôi ngao cũng bị ảnh hưởng, hiện tượng ngao chết đã từng diễn ra khiến cho sản lượng nuôi ngao của ngư dân bị giảm sút. Theo thống kê, từ khi hoạt động đến nay, DAP Đình Vũ từng bốn lần xảy ra sự cố ảnh hưởng đến môi trường, là điểm nóng môi trường nhiều năm qua ở Hải Phòng.
ThS Vũ Đức Tuấn chia sẻ kết quả nghiên cứu của ông và các đồng sự tại Hội nghị KH&CN đánh giá chất lượng sản phẩm thạch cao nhân tạo thu được từ quá trình xử lý chất thải GYPS (bã thải phosphogypsum) của nhà máy phân bón DAP Vinachem Đình Vũ, Hải Phòng.
Với mong muốn xử lý được các núi thải khổng lồ này đồng thời tạo ra được thạch cao nhân tạo với giá rẻ, thay cho việc nhập khẩu hiện nay, Công ty TNHH Ngọc Linh đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chế biến bã thải GYPS thành thạch cao làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng. Đề tài do ba nhà khoa học của công ty gồm ThS Vũ Đức Tuấn, KS Trịnh Văn Tiến và ThS Trịnh Hồng Tú thực hiện. Đây là ba nhà khoa học đã nhiều lần nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec).
Sau nhiều năm nghiên cứu, triển khai, đề tài đã thu hồi thành công thạch cao có chất lượng đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, Ấn Độ và dự thảo tiêu chuẩn của Việt Nam. Để đưa công nghệ này vào triển khai thực tế, Công ty TNHH Ngọc Linh đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thạch cao nhân tạo tại Yên Bái với công suất 1,5 triệu tấn một năm. Bước đầu cung cấp thạch cao nhân tạo cho một số nhà máy sản xuất xi măng như Xi măng VINACONEX Yên Bình, Xi măng Yên Bái và Xi măng Tân Quang.
Một công đoạn trong quá trình thu hồi thạch cao từ bã thải GYPS.
Giải quyết nỗi lo không chỉ của Hải Phòng
Bên cạnh Hải Phòng, công nghệ của Ngọc Linh sẽ gỡ nút thắt cho nhiều nhà máy sản xuất phân bón khác. Hiện nay, ở nước ta có 3 nhà máy có phát sinh nguồn bã thải GYPS lớn gồm Nhà máy DAP của Công ty CP DAP Vinachem – Đình Vũ tại Hải Phòng, Công ty CP DAP số 2 tại Lào Cai và tại Công ty CP hóa chất và phân bón Đức Giang – Lào Cai. Tính đến nay đại đa số lượng bã thải GYPS chưa được sử dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào. Lượng tồn đọng còn 5,6 triệu tấn. Dự báo đến năm 2020, bã GYPS thải ra mỗi năm là 3.885.000 tấn.
Bên cạnh vấn đề môi trường, công nghệ mà Công ty TNHH Ngọc Linh thực hiện còn mang lại giá trị kinh tế cho ngành sản xuất xi măng. Với công nghệ thu hồi thạch cao từ bã thải GYPS mà Công ty TNHH Ngọc Linh thực hiện thì 1,1 tấn GYPS sẽ thu hồi 1 tấn thạch cao. Giá sản phẩm khoảng 600.000 đồng/tấn, bằng 50% thạch cao nhập khẩu từ Lào, Thái Lan và 70% giá nhập khẩu từ Oman.
Theo Khám phá