Tại sao chọn công nghệ Nhật cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam?
Sản phẩm mới - Ngày đăng : 11:44, 13/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Khi nghiên cứu dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH (đơn vị được Bộ GTVT ủy quyền) đã đưa ra nhiều công nghệ cho dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam để các chuyên gia và nhà quản lý cùng nghiên cứu, lựa chọn.
9 cơn bão xuất hiện cùng lúc, chuyên gia cảnh báo điểm “bất thường”
TP.HCM: Xe phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa cho ruộng lúa
Ảnh minh họa
Bộ GTVT vừa mời các chuyên gia đầu ngành về vận tải đường sắt để góp ý, đánh giá về công nghệ cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Trong đó, công nghệ của Nhật và Pháp được xem là tối ưu nhất hiện nay mà Việt Nam có thể lựa chọn.
Theo Liên danh tư vấn Tedi – Tricc – Tedisouth, các nước thế giới hiện chủ yếu dùng tàu chạy trên ray, còn tàu điện từ và tàu ống đang nghiên cứu thí điểm. Thế giới có 4 nước phát minh ra đường sắt tốc độ cao gồm Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý, trong đó điển hình nhất và được nhiều nước sử dụng nhất là của Nhật Bản và Pháp, với tốc độ khai thác từ 300-400km/h.
Sau khi nghiên cứu, so sánh, liên danh tư vấn đề xuất lựa chọn đoàn tàu động lực phân tán (EMU). Công nghệ này được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn như hệ số an toàn, sức chở lớn, tiêu thụ ít điện năng… đang là xu hướng được nhiều nước phát triển lựa chọn.
Với công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản, liên danh tư vấn cho rằng, loại tàu này được thiết kế động lực phân tán (tất cả các toa đều có máy kéo), sức chở lớn; tốc độ thiết kế tối đa 450km/h. Tàu của Nhật cũng được thiết kế chạy trên đường có nhiều đồi núi, đèo, dốc, hầm… nên chi phí đầu tư và bảo dưỡng cao hơn của Pháp.
Từ các phân tích kỹ thuật tàu các nước khác như Đức, Ý, và cả các nước nhận chuyển giao công nghệ như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… Tư vấn đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên sử dụng công nghệ tàu cao tốc của Nhật.
Lý do chọn công nghệ Nhật, vì Việt Nam có điều kiện tự nhiên và xã hội tương đối giống Nhật, tàu chạy đường dài, cần sức chở lớn. “Dù công nghệ Nhật đắt hơn các công nghệ khác, nhưng phần chi phí thiết bị đoàn tàu chỉ chiếm 10% tổng mức đầu tư dự án nên không tác động quá lớn lên tổng mức đầu tư”, tư vấn phân tích.
Trên báo Tiền Phong đưa tin, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho rằng, hiện tàu điện từ với tốc độ cao chỉ Nhật và Trung Quốc có đoạn thí điểm, còn đa phần các nước chỉ sử dụng tàu tốc độ từ 300-400 km/h. “Công nghệ đang thí điểm chúng ta cũng không nên quá bận tâm, còn thế giới hiện nay và xu hướng tương lai vẫn là loại tàu chạy trên ray, tốc độ khoảng 300km/h. Chưa kể, tuyến Bắc – Nam tới tỉnh nào cũng phải có ga dừng đón trả khách, nên tốc độ có cao cũng không mấy ý nghĩa”, ông Khuê nói.
Quỳnh Dao (T/h)