Sử dụng rác thải nhựa làm đường giao thông

Sản phẩm mới - Ngày đăng : 02:30, 18/08/2019

Moitruong.net.vn – Biến rác thải thành vật liệu làm đường giao thông, được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Hiện nay thế giới chịu sức ép rất lớn với khoảng 8,3 tỷ tấn rác thải nhựa, trong đó  6,3 tỷ tấn đã trở thành phế thải, 79% trong số đó nằm ở các bãi rác và đại dương. Rác thải nhựa vốn rất khó bị tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nguồn nước, đất đai, không khí, tác động xấu đến sức khỏe của con người.

Tại Anh, công ty khởi nghiệp (startup) MacRebur do Toby McCartney giữ vai trò Giám đốc điều hành, đang sử dụng hàng triệu tấn nhựa phế thải để tạo ra những con đường thân thiện với môi trường, có giá thành rẻ nhưng có độ đàn hồi cao hơn, cứng hơn, hạn chế việc mặt đường bị xuống cấp.

Tại Anh, công ty khởi nghiệp (startup) MacRebur do Toby McCartney giữ vai trò Giám đốc điều hành, đang sử dụng hàng triệu tấn nhựa phế thải để tạo ra những con đường thân thiện với môi trường, có giá thành rẻ nhưng có độ đàn hồi cao hơn, cứng hơn, hạn chế việc mặt đường bị xuống cấp.

Sử dụng rác thải nhựa làm đường tại Australia. Ảnh: abcnews

Tại Ấn Độ đã xây dựng hơn 100.000km đường bằng chất thải nhựa với phí rẻ hơn, bền hơn và an toàn hơn so với kỹ thuật làm đường thông thường phổ biến hiện nay.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho hay, làm cho đường từ rác thải nhựa có độ bền cao hơn để chống chọi hiệu quả hơn với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và nhiệt độ cực cao. Các chuyên gia Ấn Độ gọi làm đường bằng rác thải nhựa là một trong những công nghệ tiến bộ của thế kỷ 21.

Ở Việt Nam, rác thải sinh hoạt phần lớn được thu gom để chôn lấp không qua xử lý, trong đó rác thải nhựa chiếm từ 8-12% tương ứng với gần 2,5 triệu tấn/năm, việc chôn lấp rác không qua xử lý làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực chôn lấp, tốn diện tích làm bãi chôn. Đặc biệt là rác thải nylon sau khi chôn lấp cần hàng trăm năm mới phân hủy được.

Phát biểu tại Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và Biển đảo lần thứ III với chủ đề “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý – Truyền thông – Doanh nghiệp” được tổ chức vào tháng 6/2019, lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã nhấn mạnh: Việt Nam có nguy cơ phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa, nếu không có biện pháp hạn chế, khắc phục tình trạng này thì “hậu quả sẽ khó lường”.

Bên cạnh việc hạn chế sử dụng túi nylon, vật dụng phát sinh rác thải nhựa; tìm kiếm vật liệu mới thay thế; phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa…thì nghiên cứu sử dụng các loại phế thải nhựa làm phụ gia bê tông nhựa làm đường giao thông được nhiều nước quan tâm. Ấn Độ là nước đi đầu trong việc này, đã thi công hàng trăm km đường đảm bảo khai thác tốt trong điều kiện nóng ẩm. Các nước đang phát triển như Iran, Sudan, Pakistan, Malaysia,…cũng đã có những nghiên cứu tương tự.

“Không đơn thuần chỉ nghiên cứu làm tăng cường độ của mặt đường bê tông nhựa, chúng tôi muốn tái chế, sử dụng phế thải nylon làm giảm rác thải gây ô nhiễm môi trường” – ThS. Nguyễn Hồng Quân, thành viên nhóm nghiên cứu sử dụng phế thải nhựa làm phụ gia tăng cường đặc tính cơ học của bê tông asphalt chia sẻ.

Cũng theo ông Quân, việc sử dụng phụ gia phế thải nylon làm tăng cường độ, giảm giá thành mặt đường bê tông nhựa, giảm thiểu, tiến tới thay thế phụ gia phải nhập khẩu từ nước ngoài, tiết kiệm ngoại tệ, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Thi công thử nghiệm mặt đường nhựa sử dụng phụ gia nylon phế thải

Kết quả nghiên cứu trong Phòng thí nghiệm LAS1256 của nhóm nghiên cứu cho thấy, với tỷ lệ nylon phế thải từ 6-8% khối lượng nhựa đường có trong hỗn hợp bê tông nhựa, làm tăng các đặc tính cơ lý của bê tông nhựa và đặc biệt là tăng khả năng chống lại biến dạng không hồi phục, hay còn gọi là lún vệt bánh xe gấp gần hai lần bê tông nhựa thông thường, kết quả được đánh giá tương đương với loại phụ gia SBS được nhập khẩu và đang sử dụng cho các đường cao cấp tại Việt Nam.

Chạy qua địa bàn huyện Quốc Oai – TP Hà Nội, kết quả cho thấy bê tông nhựa sử dụng phụ gia phế thải nhựa có thể thi công được bằng công nghệ hiện có, đảm bảo độ đồng đều và có tác dụng rõ ràng làm tăng các đặc tính cơ lý của bê tông nhựa.

Như vậy, nếu áp dụng trong thực tiễn, mỗi 1 Km đường cấp III-ĐB, mặt đường bê tông nhựa rộng 11m có 2 lớp BTN tổng chiều dày 12cm sẽ tiêu thụ 12,9 tấn nylon phế thải giúp giải quyết lượng rác thải đáng kể mà còn tiết kiệm được chi phí khi không phải sử dụng phụ gia tương ứng gần 800 triệu đồng. Hàng năm Việt Nam xây dựng mới, cải tạo hàng nghìn km đường mà được sử dụng phụ gia nylon phế thải thì giá trị đem lại không hề nhỏ.

Nhóm nghiên cứu mong muốn thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản xuất phụ gia từ rác thải nhựa từng bước thay thế phụ gia nhập ngoại, giảm giá thành chi phí xây dựng đường, sử dụng rác thải nhựa làm giảm ô nhiễm môi trường.

Tú Anh (T/h)

Tú Anh (T/h)