Khánh Hòa: Tôm hùm chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 05:02, 25/10/2018
Những ngày qua, các vùng nuôi tôm tại hai xã Vạn Thạnh, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) – nơi được mệnh danh là “thủ phủ tôm hùm” ở Nam Trung bộ, bao phủ một bầu không khí ảm đạm bởi tôm hùm chết hàng loạt. Ước tính mỗi ngày có hàng tấn tôm hùm chết phải bán tống bán tháo, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
>>>TPHCM: Nguy cơ ngập úng do triều cường đạt đỉnh
>>>Cát Bà, Hải Phòng: Hàng chục tấn cá lồng chết trắng mặt nước
Tôm hùm trọng lượng từ 1kg – 1,5kg/ con chết hàng loạt tại xã Vạn Thanh (huyện Vạn Ninh) – Ảnh: THÀNH HUY
Vừa gượng dậy sau thiệt hại khủng khiếp của cơn bão 12 (tháng 11-2017), hàng trăm người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè ở huyện Vạn Ninh lại phải đối mặt với cảnh nợ nần, khi tôm hùm, cá bớp đến ngày thu hoạch chết hàng loạt. Chị Trần Thị Thúy Phi, cán bộ khuyến nông xã Vạn Thạnh cho biết sau cơn bão số 12, toàn bộ lồng bè nuôi ở xã mất trắng 100%. Sau bão 12, người dân hầu hết đều vay ngân hàng để tiếp tục nuôi thủy sản nhưng với sự cố tôm, cá chết hàng loạt như vậy người dân ở đây lại tiếp tục lâm vào cảnh nợ nần.
Ông Đặng Tri Thông, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, cho biết ngay sau khi tôm cá chết hàng loạt, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung đã tiến hành quan trắc, phân tích mẫu chất lượng nước thì xác định nguyên nhân cá, tôm chết do hàm lượng oxy hòa tan trong nước chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm. Quá trình xử lý thức ăn không đảm bảo. Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, giải pháp hiện tại là khuyến cáo người dân nên nuôi tôm với mật độ phù hợp, giãn cách lồng nuôi và không đặt lồng nuôi quá gần bờ. “Huyện đã khuyến cáo với người dân nên mua các bình sục khí để xử lý tạm thời. Tuy nhiên, khi áp dụng cũng không phát huy tác dụng do không gian, môi trường biển rộng” – ông Thông nói.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện toàn huyện có khoảng 9.800 ô, lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Giã… Tỷ lệ hao hụt do các loại bệnh trong quá trình nuôi tôm hùm thời gian qua khá cao.
Theo ông Võ Lục Phẩm, phó chủ tịch huyện Vạn Ninh: có một thực tế rất khó để kiểm soát là hiện nay người dân cố tình nuôi ngoài vùng quy hoạch nên việc kiểm soát dịch bệnh không an toàn. Huyện cũng đã đưa cano ra tận lồng bè đề vận động người dân nhưng không hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản lưu ý, các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển đã được quy hoạch, công bố, người nuôi tôm cần tuân thủ để tránh thiệt hại. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch, có kê khai, đăng ký ban đầu không chỉ giúp người nuôi có đủ điều kiện để được Nhà nước hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh, mà còn phát triển bền vững nghề nuôi. Chính quyền các địa phương cũng cần tuyên truyền để người dân nắm bắt thực hiện; đồng thời có phương án tổ chức sắp xếp, di dời các lồng bè về đúng nơi quy hoạch…
Bích Thuần (t/h)