Tây Nguyên: Đầu tư phát triển thủy lợi trên 103.000 tỷ đồng
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 23:30, 12/11/2018
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn năm 2030, định hướng đến năm 2050. Qua đó, nhằm chủ động thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
>>> Đà Nẵng: Xử phạt gần 400 triệu đối với doanh nghiệp và tài xế đổ chất thải nguy hại ra môi trường
>>> Cá chết dạt vào bờ biển Đà Nẵng có thể là cá nuôi lồng bè
Trên 103.000 tỷ đồng đầu tư phát triển thủy lợi vùng Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)
Được biết, nguồn vốn thực hiện quy hoạch được cân đối từ vốn ngân sách nhà nước hàng năm, vốn xã hội hóa, đóng góp của người dân vùng hưởng lợi. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện quy hoạch khoảng 103.224 tỷ đồng; trong đó cấp nước 94.339 tỷ đồng; tiêu úng, phòng lũ 7.585 tỷ đồng; giải pháp phi công trình 1.300 tỷ đồng.
Theo đó, giải pháp cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho trên 1,16 triệu ha đất canh tác; trong đó, nâng diện tích đảm bảo cần tưới từ công trình thủy lợi đạt 52%; đảm bảo 90% nguồn nước sinh hoạt, công nghiệp… Cùng với đó là đảm bảo tiêu, thoát nước với trận mưa tần suất 10%.
Về công trình, khu vực sẽ được tập trung sửa chữa, nâng cấp các công trình đầu mối, công trình bị hư hỏng, xuống cấp…; xây dựng và hoàn thiện các công trình lớn. Đồng thời, nghiên cứu công trình lấy nước, chuyển nước từ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông vùng Tây Nguyên cấp nước cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Về giải pháp phi công trình, khu vực sẽ nâng cao hiệu quả quản lý khai thác, tăng cường hiện đại hóa trong quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi; xây dựng và hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo, dự báo; nghiên cứu và áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; xem xét sử dụng nước mặt thay thế nước ngầm…
Qua đó, 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng sẽ được lựa chọn làm vùng quy hoạch.
Thanh Tâm (T/h)