Bàn giải pháp cấp nước sạch cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:30, 27/05/2020

Moitruong.net.vn – Các tỉnh cần tập trung trả lời tại sao ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt và làm cách nào để mùa hạn mặn năm sau không còn cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Ngày 27/5, tại Sóc Trăng với sự tham dự của đại diện Ngân hàng thế giới, UNICEF, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và các ngành liên quan, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì hội nghị quan trọng này.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có khoảng 13 triệu người dân sống ở khu vực nông thôn, trong những năm qua với sự đầu tư của Nhà nước từ ngân sách Trung ương và địa phương, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, đến nay đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng tám triệu người (chiếm 61%) được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung (3.853 công trình); năm triệu người (39%) sử dụng nước quy mô hộ gia đình (giếng đào, giếng khoan, lu, bể, dụng cụ trữ nước…).

Mùa hạn mặn năm nay ĐBSCL có khoảng 96.000 hộ với khoảng 430.000 người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Ảnh: Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Cà Mau cung cấp

Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan của khí hậu, nguồn nước, xâm nhập mặn trên diện rộng vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn; đa số các công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngừng hoạt động, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Có khoảng 167 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng xâm nhập mặn khiến phần lớn bị sụt giảm công suất, nước nhiễm mặn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: Chúng ta đang lẫn lộn giữa đầu tư nước cho sản xuất và nước sinh hoạt. Hội nghị này, tập trung bàn về mặt kỹ thuật cung cấp nước sinh hoạt nông thôn cho vùng ĐBSCL những hộ đang bị thiếu nước năm nay. Các tỉnh cần tập trung vào các câu hỏi tại sao ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt và làm cách nào để mùa hạn mặn năm sau không còn thiếu nước sinh hoạt nữa. Vì vậy, hội nghị cần tập trung bàn sâu, thấu đáo về mặt kỹ thuật đưa ra giải pháp càng cụ thể càng tốt.

Mùa hạn mặn năm nay ĐBSCL có khoảng 96.000 hộ với khoảng 430.000 người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay và chuẩn bị cho những năm tiếp theo, cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiện trạng tình hình cấp nước nông thôn. Đâu là những khó khăn, tồn tại và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới một cách căn cơ, bền vững và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt.

“Tại hội nghị này, tôi mong các vị đại biểu bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình đề xuất các giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng bền vững, phù hợp với địa phương và vùng ĐBSCL”, Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng: Nước sạch là vấn đề cấp thiết cho người dân vùng ĐBSCL. Chúng tôi cám ơn Bộ NN-PTNT và các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, có tỉnh Sóc Trăng trong việc hợp tác cùng hỗ trợ chương trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, phụ nữ và trẻ em ĐBSCL.

Giải pháp cấp nước sạch lưu động của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng

Với 30% trẻ em trong vùng ĐBSCL, nước sạch luôn là vấn đề cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu bệnh tật, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Đối với một số địa phương, qua khảo sát tỷ lệ người dân bị cao huyết áp trong vùng xâm nhập mặn lên tới 50%. Bên cạnh, khó khăn về khô hạn xâm nhập mặn còn có một số ít ở Cà Mau, Sóc Trăng vùng nông thôn còn dùng cầu cá để thải chất thải.

Năm 2015 vừa qua sau đợt hạn mặn, Việt Nam đã có cải thiện rất nhiều trong việc trữ và cấp nước để tăng khả năng chống chịu, thích ứng cho người dân. Chúng tôi cần khảo sát thêm và đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trong việc vừa đầu tư cấp nước sạch hợp vệ sinh đảm bảo cho người dân, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: ĐBSCL được các chuyên gia đánh giá dễ tổn thương trước diễn biến BĐKH. Tuy nhiên, trong đợt hạn mặn vừa qua, Quỹ nhi đồng Unicef và Trung tâm nước sạch tỉnh đã hỗ trợ bằng nhiều cách không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Ngọc Anh

Ngọc Anh