Ninh Thuận: Khoảng 72.000 người dân có nguy cơ thiếu đói do hạn hán

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 06:30, 25/05/2020

Moitruong.net.vn – Hạn hán đã khiến hơn 15.360 ha đất phải ngừng sản xuất, hơn 1.800 hộ với gần 7.250 khẩu thiếu nước sinh hoạt. Khoảng 72.000 người có nguy cơ thiếu đói.

Theo báo cáo của Sở Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, do mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa thấp, kết hợp nắng nóng nên lượng nước tích trữ tại các hồ rất thấp.

Mực nước tại 21 hồ chứa trên toàn tỉnh hiện chỉ ở mức 24/194 triệu m3, chiếm 12,36% tổng dung tích thiết kế. Cụ thể, 9 hồ có dung tích trên mực nước chết, 3 hồ xấp xỉ mực nước chết, 8 hồ dưới mực nước chết và 1 hồ hết nước hoàn toàn.

Bên cạnh đó, vấn đề nước sinh hoạt của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Từ đầu tháng 5 đến nay, toàn tỉnh có 180 hộ/703 nhân khẩu phải dùng nước sinh hoạt do chính quyền địa phương và lực lượng chức năng chở đến cấp.

Tuy nhiên nếu từ nay đến tháng 6/2020 trên địa bàn không mưa, các khu vực có khả năng thiếu nước sinh hoạt cần phải chở nước phục vụ cho người dân khoảng 12.156 hộ với 49.475 khẩu.

Do thiếu nước tưới nên 7.873,8ha diện tích của địa phương phải dừng sản xuất. Ngoài ra, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại từ vụ Đông Xuân 2019-2020 tính đến ngày 21/5 trên toàn tỉnh là 198,1 ha. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ cao phát sinh thiếu đói giáp hạt của một bộ phận người dân trong tỉnh. Theo thống kê, khoảng 72.000 người có nguy cơ thiếu đói do hạn hán.

Khoảng 72.000 người ở Ninh Thuận có nguy cơ thiếu đói do hạn hán

Ngoài ra, hơn 110.000 con gia súc trong vùng hạn sẽ không còn thức ăn, nước uống, nguy cơ suy dinh dưỡng, phát sinh dịch bệnh và dẫn đến thiệt hại sẽ không nhỏ.

Bên cạnh đó, nắng hạn cũng khiến cho nguy cơ cháy rừng ở Ninh Thuận luôn trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm và có hơn 63ha rừng đã bị cháy. Đây là lần thứ 3, sau năm 2015, 2016 tỉnh Ninh Thuận công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán.

Hiện nay, các ngành, địa phương đang chủ động triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết:

“Ứng phó với hạn hán, huyện tuân thủ đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt, không để thiếu đói, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Đến nay, đối với nước sinh hoạt, Trung đoàn Không quân 937 chở nước cấp cho người dân xã Phước Trung, mỗi ngày từ 15 đến 25m3 khối nước”.

Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận sáng 24/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường rất chia sẻ với những khó khăn của tỉnh; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong thực hiện biện pháp ứng với hạn hán trong thời gian qua.

Tuy nhiên, tỉnh cần tính đến chuyện nếu nắng hạn kéo dài đến tháng 9 thì kế hoạch cung cấp nước sinh hoạt cho người dân như thế nào; việc dừng, giãn sản xuất trong vụ hè thu cần tính toán kỹ để bảo đảm sản xuất. Về lâu dài, tỉnh cần ra soát lại cơ cấu kinh tế, chủ động trong tái cơ cấu sản xuất, phát triển trên các lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng, Ninh Thuận cần có chiến lược phát triển “một nền nông nghiệp đặc hữu, một nền nông nghiệp sa mạc, một nền nông nghiệp công nghệ cao, một nền nông nghiệp đa canh”, sản xuất những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so cây lúa. Chú ý đẩy mạnh phát triển sản xuất sạch, xuất khẩu sản phẩm đem lại lợi nhuận cao. Cần rà soát, có chiến lược cung cấp nước cho phát triển công nghiệp,…

Hiện tại, Ninh Thuận vẫn chưa xây dựng được hệ thống thủy lợi mang tính căn cơ chiến lược lâu dài, do đó sắp tới, phải hoàn thiện kênh cấp 1 trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thiện trước tháng 3-2021 để tích nước. Cùng với đó, Ninh Thuận sớm có dự án cụ thể liên hồ chứa để kiến nghị T.Ư, các bộ, ngành xem xét hỗ trợ địa phương thực hiện mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận về hỗ trợ giống, gạo cứu đói giáp hạt… và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết, bảo đảm đời sống cho người dân địa phương trong thời gian tới.

Nam Phong

Nam Phong