Bài toán trữ nước ngọt của Đồng bằng sông Cửu Long

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 00:30, 23/05/2020

Moitruong.net.vn – Năm 2020 chứng kiến đợt hạn mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long. Đòi hỏi có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục tình trạng này.

Năm 2020 chứng kiến đợt hạn mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long. Mặn xâm nhập sớm hơn bình thường 1 tháng rưỡi và chưa năm nào hạn vào sâu như vậy. Hơn 100.000 hộ hiện gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL trong mùa khô, Cục Biến đổi Khí hậu và Viện Khoa học tài nguyên Nước đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thực hiện một dự án nghiên cứu tổng thể về các giải pháp trữ nước ở vùng nầy, nhằm giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô, bảo vệ môi trường và phòng chống xâm nhập mặn. Đặc biệt là Chiến lược giữ nước ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười do Hà Lan tài trợ và quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho toàn thể ĐBSCL.

Kênh rạch nội đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long cạn trơ đáy.

Trữ nước trong ao mương

Người dân ĐBSCL trong những vùng bị nước mặn xâm nhập vào mùa khô đã biết trữ nước ngọt trong các ao mương để sử dụng trong thời gian này. Hầu như nhà nào cũng đào một cái ao ở phía sau để nuôi cá và trữ nước ngọt để dùng trong mùa khô. Lượng nước rất hạn chế nhưng thường cũng đủ để tắm rửa. Còn nước để ăn uống thì được trữ trong các lu bằng đất nung.

Những nơi làm vườn, cây được trồng trên các liếp được đắp bằng đất đào từ các mương nước. Các mương này thường ăn thông với nhau và nối với một rạch qua một ống cống bằng cây dừa khoét ruột, gọi là bộng. Bộng có thể được đóng – bằng cách dùng một nùi rơm nhét vào, gọi là nhét bộng – và mở – tháo nùi rơm được nhét trước đây, gọi là tháo bộng – để kiểm soát mực nước trong mương.

Số nước trong mương nhiều hơn nước trong ao, nhưng cũng không nhiều, đủ để tưới cây hay tắm rửa chứ không dùng để ăn uống.

Tận dụng hệ thống kênh rạch có sẵn

Theo Viện Khoa học Tài nguyên Nước, một trong các giải pháp khả thi cấp nước nội vùng có tác dụng tích cực nhất là trữ nước trên hệ thống kênh rạch. Trữ nước trong kinh rạch có trữ lượng lớn, có thể lên đến hàng chục triệu mét khối, nhưng có thể bị ô nhiễm vì nước thải, nhiễm mặn, khô cạn và cản trở việc giao thông thủy. Thí dụ như hồ trữ nước ngọt Ba Tri ở Bến Tre, có dung tích 800.000 m3 được xây dựng trên kinh Lấp và đưa vào sử dụng từ tháng 8.2019, đã bị nhiễm mặn trong mùa khô năm nay. Độ mặn trong hồ lên đến 1,38 phần ngàn, nên nước chỉ có thể dùng để rửa ráy chứ không thể nấu nướng hay tưới cây.

Nước được trữ trong kênh rạch cũng có thể khô cạn trong mùa khô. Thí dụ như hệ thống sông kênh rạch trong các vùng ven biển như Gò Công Tây, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đã khô cạn từ hơn tháng nay, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và khiến hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. Hiện đã có 12 trong số 13 tỉnh thành đang chịu ảnh hưởng của hạn mặn với cường độ ngày càng tăng, và 5 tỉnh phải ban bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp để đối phó.

Tìm cách sống chung với hạn mặn

Các tỉnh ĐBSCL hiện đã cơ cấu lại lịch thời vụ lúa hè thu, cho đất nghỉ ngơi hoặc chuyển sang cây trồng cạn nhằm giảm áp lực nước tưới để đối phó với hạn, mặn.Vụ đông xuân 2019-2020, ĐBSCL xuống giống 1.541.000ha, giảm 63.000ha. Đến nay, Cục Trồng trọt đã đưa ra lịch xuống vụ hè thu 2020. Theo đó, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1.627.500ha. Trong đó, Đông Nam Bộ gieo sạ 88.500ha. Khu vực ĐBSCL gieo sạ gần 1,6 triệu ha.

Thiếu nước ngọt sinh hoạt, người dân ĐBSCL phải mua nước từ các xe bán dạo.

Theo khuyến cáo, các địa phương xuống giống trong tháng 3, 4 tập trung ở vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu, vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên. Xuống giống trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam quốc lộ I cách biển 70km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Xuống giống khoảng nửa đầu tháng 6 khi có mưa, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển.

Hiện mực nước ở đầu nguồn xuống rất thấp và theo dự báo thì mùa mưa năm nay đến trễ (khoảng giữa tháng 5/2020), để hạn chế tình trạng thiếu nước ở đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang khuyến cáo các địa phương không sản xuất lúa 3 vụ/năm.

Tại Đồng Tháp, toàn tỉnh xuống giống vụ lúa hè thu khoảng 185.000ha, giảm khoảng 5.000ha. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái. Trong đó, chú trọng vào các cây trồng có thế mạnh như: bắp, ớt, khoai lang, xoài… có thể đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa từ 2-3 lần.

Chắt chiu từng giọt nước

Sẽ có những hệ thống lọc nước mặn công suất lớn ở miền Tây, sẽ đến thời điểm cũng phải sử dụng cách này vì nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. Nhưng như vậy ngân sách sẽ thêm gánh nặng trong khi ngân sách quốc gia đang gồng gánh quá nhiều thứ.

Đời sống chúng ta đang và sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi thiếu nước diện rộng. Và lượng nước mưa đang bị bỏ phí. Giữ lại nguồn nước khi còn có nguồn nước sạch, đó là chuyện không của quốc gia nào.

Và trữ nước, tiết kiệm nước là chuyện của từng người, từng nhà, không chỉ là người dân vùng hạn mặn.

Mai An (t/h)

Mai An (t/h)