Giải bài toán thiếu nước sạch cho các huyện phía nam Thủ đô
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 01:30, 06/07/2020
Hà Nội mới đây đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.
Tuy đạt nhiều thành tích như thế, nhưng vấn đề nước sạch cho vùng nông thôn vẫn là một nỗi trăn trở chung của lãnh đạo từ thành phố đến cơ sở.
Hệ thống nước mặt, nước ngầm của nhiều vùng ngoại thành Hà Nội đang ô nhiễm. Ảnh: NNVN.
Báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết tỷ lệ dân số nông thôn Thủ đô được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đã lên 78% nhờ từ năm 2016 đến nay đã có nhiều dự án cấp nước nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất đạt 1,52 triệu m3/ngày đêm, tăng 632.000 m3/ngày đêm so với năm 2016.
Thế nhưng, nước sạch lại khó chảy về các huyện phía Nam của Thủ đô gồm Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa…trong đó có những địa phương tỷ lệ dân hiện được sử dụng nước sạch đạt rất thấp chỉ khoảng trên dưới 30%.
Đây cũng là những địa phương vùng xa trung tâm, thuần nông, kinh tế còn khó khăn như Ứng Hòa thu nhập bình quân chỉ 42,5 triệu đồng/người/năm, Mỹ Đức thu nhập bình quân chỉ 43,5 triệu đồng/người/năm…
Sở dĩ tỷ lệ dùng nước sạch ở những địa phương này đạt thấp do địa bàn huyện dân cư phân bố rộng, các nhà đầu tư cung cấp nước sạch ngại đầu tư vì chi phí đầu tư lớn, doanh thu thấp. Thêm vào đó, tại nhiều nơi, người dân không chịu đấu nối sử dụng nước sạch do ngại phải bỏ ra khoản chi phí đầu tư hệ thống mạng cấp nước ban đầu và trả chi phí sử dụng hàng tháng.
Thói quen của người dân là dùng nước giếng khoan trong khi tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm mà nhất là nhiễm thạch tín asen vẫn diễn ra phổ biến tại các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức…
Để giải quyết tình trạng này, Hà Nội sẽ phải rà soát toàn bộ khoảng 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, đề xuất cơ chế hỗ trợ cho người dân lấp các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm đồng thời trợ giá nước sạch ban đầu, đầu tư lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa…
Với những hộ đã hoàn thành việc đấu nối vào mạng lưới, phổ biến vẫn sử dụng song song hai nguồn là nước giếng khoan và nước sạch trong đó nước sạch sử dụng hàng tháng rất ít, chủ yếu phục vụ cho việc ăn uống…còn các sinh hoạt khác như tắm, gội vẫn dùng nguồn nước giếng khoan.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư khi thấy nhu cầu sử dụng nước của dân thấp, đầu tư tốn kém, năng lực tài chính và kỹ thuật của đơn vị lại hạn chế nên dự án bị chậm tiến độ gây ảnh hưởng đến mục tiêu “phủ sóng” nước sạch chung của thành phố.
Về vấn đề này, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 đã chỉ đạo phải rà soát lại con số thống kê 78% dân nông thôn của Thủ đô đang được dùng nước sạch xem có chính xác không.
Đề nghị Sở Xây dựng cũng như các sở, ngành liên quan chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch nhất là ở các huyện phía Nam thành phố, không để tình trạng đăng ký đầu tư kiểu “giữ chỗ” xong rồi để đấy. Báo cáo thống kê ngay ở đâu có tình trạng từ chối dùng nước sạch và tại sao.
Minh Anh (T/h)