Từ 1/7/2020, sử dụng nước sạch phải trả phí cho cả… nước bẩn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:03, 02/07/2020
Theo Nghị định số 53/2020/NĐ-CP nêu rõ, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.
Theo đó, số phí BVMT phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau: Số phí phải nộp (đồng) = Số lượng nước sạch sử dụng (m3) x Giá bán nước sạch (đồng/m3) x Mức thu phí…
Trong đó, số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí.
Trường hợp tự khai thác nước, số lượng nước sạch sử dụng xác định căn cứ vào quy mô hoạt động, kinh doanh, dịch vụ hoặc giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất do tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.
Ảnh minh họa
Về mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, Nghị định quy định: Cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) như sau: Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm.
Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, áp dụng theo Biểu của Nghị định 53. Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên, phí tính theo công thức của Nghị định 53.
Đối với nước thải sinh hoạt, UBND phường, thị trấn để lại 10% trên tổng số tiền phí BVMT thu được cho tổ chức cung cấp nước sạch và 25% để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.
Đối với nước thải công nghiệp, tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí BVMT thu được vào ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.
Ngọc Ánh