Ngập úng ở TP. Hồ Chí Minh (Bài 2): Nguyên nhân nào khiến cứ mưa là ngập?
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 04:27, 16/06/2020
Đến hẹn lại lên, cứ bước vào mùa mưa, TP Hồ Chí Minh nhiều nơi ”phố lại biến thành sông”. Riêng những ngày qua, mặc dù lượng mưa chưa nhiều nhưng ở nhiều quận, huyện của Thành phố đông dân nhất cả nước này liên tiếp bị ngập lụt.
Hiện TP.HCM còn hàng chục điểm ngập lụt nặng, những năm qua Thành phố đã tích cực đầu tư cho dự án chống ngập trên địa bàn nhưng hiệu quả đem lại chưa cao. Theo các nhà khoa học, chuyên gia cấp thoát nước thì ngập lụt của TP HCM có rất nhiều nguyên nhận.
Nguyên nhân khách quan:
Khu vực của TP.HCM có mặt đất tự nhiên thấp khoảng 75% diện tích có cao độ dưới 2 m, lại nằm trong vùng ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều biển Đông, nên hoàn toàn có thể bị ngập khi gặp đỉnh triều cao. Do biến đổi khí hậu, nước biển ngày càng dâng cao gây hậu quả tăng nguy cơ gây ngập cho khu vực TP.HCM, cả về tần suất và mức độ.
Theo các chuyên gia nghiên cứu ngành nước thì có 2 nguyên nhân cơ bản gây ra ngập úng. Thứ nhất: Tình trạng ngập lụt do đặc điểm tự nhiên, địa hình, thủy triều, mưa và lũ thượng nguồn, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu. Thứ hai là do con người gây ra như do yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, năng lực quản lý và ý thức của người dân…
Còn theo ông Vũ Hải – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và môi trường TP.HCM, việc ngập úng có nhiều nguyên nhân, trong đó có mấy nguyên nhân chính: Ngập úng do triều cường; ngập do mưa và lũ; do biến đổi khí hậu; sụt lún lãnh thổ; do phát triển đô thị quá nhanh, hạ tầng không theo kịp; do bê tông hóa quá mức; do quản lý yếu kém nên bùn làm tắc cống, kênh rạch; do thiết kế không đúng… “Các giải pháp chống ngập mà TP.HCM đang thực hiện chưa phù hợp, có nhiều nhược điểm, giá thành quá cao, nếu thực hiện sẽ không giải quyết được vấn đề, gây lãng phí”, ông Hải nói.
Giao thông trên nhiều tuyến đường TP.HCM tê liệt vì ngập sâu
Từ thực tế trên cho thấy, ngập úng nặng tại TP HCM không chỉ xảy ra trong trường hợp tổ hợp bất lợi “lũ cao, triều cường, mưa lớn”, mà có thể còn xảy ra ngay trong trường hợp lũ và triều cường bình thường nhưng gặp siêu mưa có lượng mưa ngấp nghé hoặc vượt xa lượng mưa thiết kế hệ thống cống thoát nước độ thị của thành phố hiện tại (200mm/trận trong vài giờ).
Giả sử chúng ta đã hoàn thành siêu dự án “Xây dựng hệ thống đê và cống ngăn triều” đang được thực hiện dở dang hoặc xây dựng xong “Dự án đê biển Gò Công-Vũng Tàu” liệu có giải quyết được trình trạng ngập úng thành phố do các trận siêu mưa gây ra ngay trong điều kiện lũ, triều chỉ ở mức rất bình thường? Đặc biệt, số liệu thống kê gần đây cho thấy không những mưa càng ngày càng lớn, mà số lượng trận mưa lớn cũng ngày càng nhiều hơn so với trước.
Lũ trên sông chính: Sông Đồng Nai và Sài Gòn tuy ít xuất hiện lũ lớn nhưng ngay vào những năm lũ trung bình, với việc các hồ chứa thượng lưu xả lũ cộng với mưa lớn trên vùng hạ lưu, cũng khiến lưu lượng và mực nước trên sông tăng cao, nhất là vào thời kỳ triều cường. Theo các tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam với khả năng tải của các lòng sông phía hạ lưu, đối với sông Đồng Nai, nếu Trị An và Phước Hòa xả lưu lượng trên 1.000 m3/s (cả qua turbine phát điện và xả tràn), sẽ khiến các khu vực thuộc các huyện Thủ Đức, Quận 9 và Quận 2 đối điện với nguy cơ ngập rất cao. Đối với sông Sài Gòn, nếu hồ Dầu Tiếng chỉ xả với lưu lượng khoảng 400-500 m3/s, khu vực các huyện Củ Chi và Hóc Môn, các Quận Thủ Đức, 12, 2, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận và 7 sẽ bị ngập nếu gặp thêm triều cao.
Nguyên nhân chủ quan:
Xả rác bừa bãi, kênh rạch bị lấn chiếm : Tình trạng người dân xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến. Nên khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn rác vào lưới chắn, cản trở dòng chảy. “Trước khi xuất hiện mưa, chúng tôi đã triển khai vớt rác trước miệng thu nước và bố trí người trực những nơi có khả năng gây ngập nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần”, đại diện Trung tâm chống ngập cho biết.
Tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến nhưng việc xử lý còn quá chậm dù chính quyền thành phố đã chỉ đạo xử lý nhiều lần. Trong chuyến khảo sát các tuyến kênh thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất mới đây của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, đoàn đã ghi nhận hàng loạt công trình nhà dân xây lấn chiếm bờ kênh. Dưới lòng kênh cũng có lượng lớn rác thải và vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, chắn ngang dòng chảy, bít kín cửa thoát nước khiến nước tù đọng, bốc mùi khó chịu.
Chưa thực hiện các dự án hỗ trợ thoát nước: Dù đã được quy hoạch từ lâu, song các dự án hỗ trợ thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu, diễn biến thủy văn phức tạp tại thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt 8 năm trước chưa thể triển khai thi công. Hiện, chỉ mới xây dựng được một trong 10 cống kiểm soát triều (Nhiêu Lộc – Thị Nghè) và hơn 40% hệ thống đê bao (60 km đê bao trong tổng số 149 km).
“Chậm trễ là do thiếu vốn. Để triển khai các quy hoạch chống ngập cần số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng thực tế thành phố mới đầu tư được 25.000 tỷ, nên khối lượng công việc còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng quá chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án chống ngập”, báo cáo của UBND TP HCM cho biết.
Mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố
Dự án thoát nước đang triển khai ngăn dòng chảy: Một số công trình thoát nước đang thi công cũng được cho là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu. Ngoài ra, theo Trung tâm chống ngập, có những tuyến đường đã xử lý ngập bằng giải pháp tạm (đấu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu…) trong khi chờ các dự án lớn triển khai đã xuất hiện ngập khi mưa to.
Hệ thống sông rạch, ao hồ bị lấn chiếm, thu hẹp dần: Trong tiêu thoát nước đô thị, hệ thống sông, rạch (nguồn tiếp nhận nước tiêu và truyền dẫn ra bể tiêu chính), ao hồ (điểm tiếp nhận và lưu trữ tạm thời nguồn nước tiêu) là rất quan trọng.
Về nguyên tắc, tổng khả năng tiếp nhận và vận chuyển của hệ thống này phải bằng hoặc lớn hơn khả năng thoát của tất cả các hệ thống tiêu nội vùng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, không những một số sông, rạch bị lấn chiếm, thu hẹp và biến mất, mà còn nhiều diện tích ao hồ, đầm lầy, vùng trũng ngập nước ở TP.HCM cũng bị san lấp.
Đặc biệt, khu vực Quận 7 là nơi trũng thấp, mật độ sông rạch cao, đóng vai trò rất quan trạng đối với khả năng tiêu thoát nước cho toàn thành phố, nhưng hiện đã dành phần lớn diện tích cho phát triển đô thị, san lấp và lấn chiếm nhiều đoạn sông, rạch, ao hồ, đầm lầy… Đến nay, đã có khoảng 30% diện tích với hơn 100 kênh, rạch (có diện tích khoảng 4.000 ha) đã bị lấn chiếm.
Trên toàn thành phố hiện cũng còn tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả (thuộc 23 tuyến đường), 105 hầm ga (thuộc 41 tuyến đường), 13,9 km cống và 394 hầm ga (thuộc 92 tuyến đường), 61 vị trí lấn chiếm kênh, rạch phục vụ thoát nước.
Sụt lún mặt đất do mật độ đô thị hóa và xây dựng quá cao: Qua tổng hợp kết quả đo kiểm mốc độ cao trong 2 năm 2014-2015 của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (Bộ TN&MT) cho thấy khu vực TP.HCM đang diễn ra tình trạng lún sụt khá lớn, mà các nguyên nhân chính do căn nguyên tự nhiên như dịch chuyển của mảng kiến tạo, quá trình nền đất cố kết tự mất nước và co ngót tự nhiên của lớp trầm tích honocen trẻ; và (ii) Các nguyên nhân do hoạt động của con người như khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông…
Dựa trên sơ đồ phân vùng lún cho thấy TP.HCM đang diễn ra sụt lún với tốc độ trên 1,0 cm/năm trên một khu vực rộng lớn khoảng 240 km2, bao gồm huyện Bình Chánh, Nam Quận Bình Tân, Quận 8, Quận 7, Đông Quận 12, Tây Quận Thủ Đức và Bắc huyện Nhà Bè. Cá biệt, vài nơi ở huyện Bình Chánh, trong khoảng thời gian từ năm 2005-2015, tốc độ lún trung bình lên đến 5-7 cm/năm.
Có phải nguyên nhân sâu xa là tình trạng bê tông hóa, san lấp hệ thống kênh rạch, không có dung tích điều tiết nước, hệ thống cống thoát nước nhỏ, không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Trong khi đó, chúng ta chưa quy hoạch không gian cho nước và những khu vực ngập nhất hiện nay là nơi đã bị bê tông hoá, lấp hồ, kệnh rạch với mật độ xây dựng cao lên gấp chục lần nhưng không hề dành không gian dành cho nước hay hồ điều tiết.
Đó là chưa kể, quy hoạch và công nghệ chống ngập đã lỗi thời, nhiều công trình chống ngập được đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng không phát huy được hiệu quả trong khi công tác dự phòng về diễn biến của biến đổi khí hậu lại chưa thực sự coi trọng. TPHCM đang cần gần 100.000 tỷ đồng để triển khai các dự án chống ngập trên toàn địa bàn, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng thành phố tìm các giải pháp mới, công nghệ chống ngập hiện đại nhằm giải quyết bài toán nan giải này”.
Theo bà Phạm Thị Nhâm – Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, để giải quyết vấn đề thoát nước và ngập úng đô thị tại TP.HCM không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tổng hợp các giải pháp mang tình liên vùng theo lưu vực sông, theo toàn đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết cho từng dự án phát triển đô thị, từng khu vực đô thị, thậm chí từng công trình cụ thể, từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình. Các giải pháp như: bơm, đề, cốt nền, hồ điều tiết đến các giải pháp mềm như bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân…
Như vậy, muốn giải quyết tốt tình trạng ngập úng cần tầm nhìn của nhà quản lý, cần nguồn vốn lớn và các giải pháp xây dựng quy hoạch đồng bộ, tổng thể hệ thống thoát nước liên vùng kết hợp với xây dựng quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP.HCM mới giải quyết triệt để vấn đề ngập úng và thoát nước tại các đô thị nói chung và TP.HCM nói riêng.
Nguyên Bình