Kỳ họp thứ 9: Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ các vấn đề đặt ra đối với an ninh tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:33, 15/06/2020
Ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đang có nhiều vấn đề đặt ra đối với an ninh tài nguyên nước ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam có lượng mưa, lượng nước chảy bao gồm nước nội địa và nước quốc tế khá phong phú nhưng hơn 63% lượng nước là từ nguồn nước xuyên biên giới chảy vào.
Theo Bộ trưởng, tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước nội địa thấp hơn trung bình với thế giới. Tác động kép của biến đổi khí hậu làm cho việc phân bổ nước không đều theo địa lý, theo mùa. Bên cạnh đó là những đòi hỏi thay đổi cơ cấu phát triển kinh tế để đảm bảo tính bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, lượng nước của các quốc gia thượng nguồn chiếm đến 20%, trữ lượng thông qua các hồ thủy điện và hồ chứa có thể họ giữ lại được như vậy. Nếu nói về mùa đông, mùa khô hạn, chúng ta mất 70%- 80% lượng nước do biến đổi khí hậu, như vậy chỉ còn khoảng 20%-30% về giới hạn nguồn, nếu họ giữ lại 20% thì chúng ta hoàn toàn bất ổn và mất an ninh liên quan đến nguồn nước.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy thể chế về nước của Việt Nam còn có vấn đề, chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có đầu tư để đảm bảo được hạ tầng về nước. Hiện, 80% lượng nước sử dụng dùng cho nông nghiệp. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng trên một đơn vị m3 mới có 2,37 USD, trong khi thế giới là 19,57 USD, ở Lào là 2,57 USD. Do vậy, Việt Nam cần phải làm rất nhiều biện pháp để nâng hiệu quả sử dụng nước ở khu vực này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, để bảo đảm an ninh tài nguyên nước cần xem xét lại thể chế để xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước. Làm rõ vấn đề nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, quan trắc, dữ liệu, quy hoạch; cần làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, như ở lưu vực sông Mekong và có thể chế chung để các nước cùng tham gia phù hợp với quốc tế.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Chúng ta làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, đặc biệt là đưa những vấn đề nước lưu vực sông như sông Mekong, sông Lan Thương lên quốc tế hóa. Nhiều thiết chế chúng ta phải cùng với các nước vận động để tham gia vào thiết chế chung của quốc tế.”
Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia
Về tài nguyên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay xuất phát từ bảy vấn đề vướng mắc, khó khăn nên Chính phủ trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi một số luật. Đến nay, hầu hết các chủ trương, vướng mắc đã được tiếp thu, sửa đổi ngay trong luật như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và có Nghị quyết số 60 của Quốc hội về đẩy mạnh quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Ban Kinh tế Trung ương đã sơ kết Nghị quyết 19 về đất đai và đưa ra nhiều cơ chế về chính sách, quản lý. Bộ Chính trị đã có Kết luận 36 khẳng định tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện chính sách, pháp luật.
Việc sửa đổi ở đây liên quan đến rất nhiều đối tượng cần phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận thực tiễn và đặc biệt chú ý hơn 60% những người đang sử dụng đất, đây là những người nông dân, nông thôn và nhiều vấn đề hệ trọng quan trọng khác thì cần phải tổng kết cả lý luận và thực tiễn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đất đai giai đoạn 2021-2030, Chính phủ sẽ có ngay trên bàn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là một vấn đề liên quan an ninh tài nguyên nước như chúng ta nói một thành phần môi trường. Những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã đưa lên tại nghị trường trong 4 kỳ họp vừa qua và đặc biệt là ý kiến của nhiều nhà khoa học và Nhân dân đã được Chính phủ nhận diện, xác định và thực hiện cam kết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu thay đổi một cách toàn diện cách mạng để làm sao đạt được mục tiêu các thành phần môi trường đang ô nhiễm, xu thế suy thoái môi trường, mất cân bằng môi trường hiện nay phải đảo ngược. Đồng thời, đảm bảo thực hiện được Hiến pháp, đó là đảm bảo cho chất lượng và quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành.
Cùng với đó, chúng ta cần phải có sự tham gia, tức là Nhà nước sẽ cam kết vào đầu tư vào những vấn đề môi trường do lịch sử để lại có từ trước. Người dân và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm trong vấn đề triển khai thực hiện, kể cả vấn đề giám sát, khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, nếu chúng ta quản lý và phân loại kỹ càng thì 40% chất thải sẽ là tài nguyên khi được thu gom, tái chế, tái sử dụng. Việc xử lý này người dân tham gia trực tiếp sẽ có lợi về vấn đề bảo đảm môi trường, kinh tế. Chính phủ sẽ có tính toán dựa trên kinh nghiệm quốc tế để đưa ra lộ trình hỗ trợ bài bản, kịp thời cho những người dân khó khăn.
Hà My