Miền Trung quay quắt với hạn hán kỷ lục
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:00, 11/06/2020
Nguồn nước cạn kiệt, sông hồ cạn trơ đáy
Dù Đắk Lắk đã bước vào mùa mưa nhưng năm này trời vẫn chưa đổ mưa. Tại huyện Cư M’gar, hàng nghìn hécta hoa màu của người dân có nguy cơ chết trắng vì thiếu nước tưới. Gia đình anh Y Kốp K’Bua (46 tuổi, trú xã Ea Kuế, huyện Cư M’gar) mấy ngày đầu tháng 6 quay quắt tìm nguồn nước tưới cho 8 sào càphê đang độ ra trái. Anh Y Kốp K’Bua cho biết, vì khô hạn nên một ngày anh phải chia ra 3 lần tưới nước. Dù vậy nhưng cũng chẳng thể cứu vãn tình hình.
“Không có nước nên nhiều sào càphê đang trong độ ra trái chết héo. Nghĩ cũng tiếc nhưng tôi đành chặt bỏ để chuyển sang trồng các cây ngắn ngày” – anh Y Kốp K’Bua nói.
Bên cạnh chuyện thiếu nước tưới cây trồng, nông dân Đắk Lắk mấy ngày tháng 6 phải đỏ mắt tìm nguồn nước sinh hoạt. Như tại xã Ea Nuôi, huyện Buôn Đôn, người dân địa phương cho biết từ tháng 2 đến nay, trời không có giọt mưa khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân cạn kiệt.
Gia đình anh Y Zol Êban (38 tuổi, trú buôn Niêng 1, xã Ea Nuôi) nhiều ngày nay có thuê một nhóm thợ về đào giếng. Theo anh Y Zol Êban, phần lớn nguồn nước từ suối, hồ trên địa bàn đã bị khô cạn từ hai tháng trước. “Để có nguồn nước phục vụ trong sinh hoạt của gia đình, hằng ngày chúng tôi phải dùng máy cày chở theo thùng, can nhựa để đi xin nước.
Chịu không nổi tình cảnh thiếu nước, gia đình tôi đành dồn toàn bộ tiền bạc trong nhà để đào giếng” – anh Y Zol Êban tâm sự.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NNPTNT Đắk Lắk, tính đến giữa tháng 5 vừa qua, toàn tỉnh có hơn 12.000ha cây trồng bị hạn; trong đó, khoảng 6.000ha cây công nghiệp dài ngày, hơn 5.000 hécta cây ngắn ngày bị ảnh hưởng giảm năng suất, có diện tích mất trắng; gần 3.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, ước tính thiệt do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tới thời điểm này hơn 180 tỉ đồng.
Số liệu của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nguồn nước các sông suối và nước ngầm so với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước đang duy trì mức thấp hơn; lượng dòng chảy mặt thiếu hụt khoảng 50-70% so với trung bình nhiều năm. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn tỉnh bị cạn kiệt; mực nước ngầm các tháng đầu năm 2020 phổ biến thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, cục bộ một số vùng giảm rất sâu.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, có 251 hộ/959 khẩu thiếu nước sinh hoạt (thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc: 71 hộ/256 khẩu; thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn: 180 hộ/703 khẩu). UBND huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các đơn vị có liên quan chở nước cung cấp cho các hộ dân tại các khu vực này với tổng số lượng nước 838m3 (54m3/ngày đêm), trong đó: Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng chở nước sinh hoạt hỗ trợ cho thôn Bình Tiên, xã Công Hải được 648m3, Trung đoàn Không quân 937 chở cấp nước cho xã Phước Trung được 40m3 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chở cấp nước cho thôn Tà Nôi, xã Ma Nới được 150m3.
Người dân huyện Buôn Đôn khổ sở vì không biết tìm đâu ra nguồn nước tưới giữa mùa hạn nặng. Ảnh: Hữu Long
Nắng nóng gay gắt khiến tình trạng hạn hán đang càng trở nên nghiêm trọng tại Trung Bộ. Theo ông Đặng Kim Cương – Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Thuận – mùa mưa năm 2019 trên địa bàn tỉnh kết thúc sớm, lượng mưa thấp, kết hợp nắng nóng nên lượng nước tích trữ tại các hồ rất thấp. Trong số 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh thì từ cuối tháng 5.2020, hồ Ông Kinh đã hết nước, 11 hồ chứa dưới mực nước chết, chỉ có 9 hồ chứa nước có dung tích trên mực nước chết nhưng cũng sẽ ở xấp xỉ mực nước chết nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Tại Nghệ An, số hồ chứa có dung tích nước từ 50% đến trên 70% còn rất ít, có 965 hồ chứa nhỏ do xã và hợp tác xã quản lý đều chỉ đạt 50% – 65% dung tích thiết kế. Mực nước tại các công trình đầu mối như thượng lưu cống Nam Đàn, cống Nghi Quang (Nghi Lộc)… đều thấp hơn mực nước thiết kế; hồ Bản Vẽ (Tương Dương) cũng trong tình trạng tương tự. Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, với thực trạng nguồn nước hiện tại, nếu thời gian tới tiếp tục không có mưa, nắng nóng và gió Tây Nam xuất hiện sớm thì hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng.
Chủ động trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất
Cũng theo ông Đặng Kim Cương, hạn hán đã khiến 180 hộ với 703 nhân khẩu khó khăn về nước sinh hoạt phải dựa vào nguồn nước do chính quyền địa phương, lực lượng quân đội… chở tới cung cấp.
Do hạn hán thiếu nước nên vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh Ninh Thuận phải dừng sản xuất khoảng 7.873ha gồm hơn 4.556ha lúa, hơn 3.317ha màu. Diện tích bị thiệt hại hơn 204ha. Trong vụ Hè Thu, tỉnh Ninh Thuận bố trí sản xuất các khu tưới của hệ thống Sông Pha, Lâm Cấm, vùng đầu kênh Nam, kênh Chàm, kênh Bắc của đập Nha Trinh và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với tổng diện tích vụ hơn 17.159ha gồm lúa, màu và thủy sản. Còn diện tích dừng sản xuất do thiếu nước tưới khoảng 15.360ha, trong đó diện tích lúa 10.837ha; màu 4.523ha.
Ông Đặng Kim Cương cho biết thêm, hiện nay chỉ còn 180 hộ với 703 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt, nhưng địa phương đã có kịch bản cụ thể đến từng đơn vị phải có trách nhiệm cung cấp nước sạch cho dân. Đối với nguồn thu Quỹ phòng chống thiên tai hiện nay đã thu được 2.102.749.537 đồng, Sở NNPTNT tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét, quyết định chi để mua 200 bồn chứa nước (loại 2m3/bồn) để hỗ trợ cho các địa phương bị thiếu nước sinh hoạt với kinh phí 850 triệu đồng.
Sở NNPTNT Ninh Thuận đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện giải pháp phòng chống hạn như: Triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán (như mô hình tưới tiết kiệm, mô hình xem canh, luân canh có hiệu quả; quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo quy trình ướt – khô kẽ nhằm tiết giảm sử dụng nước trong sản xuất lúa), thực hiện phương án bảo vệ đàn gia súc, phương án phòng chống cháy rừng..
Thanh Phương (T/h)