Quảng Bình: Tìm giải pháp cho vấn đề thoát nước đô thị

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 02:59, 29/07/2017

(Moitruong.net.vn) – Những ngày trong tháng 7/2017 vừa qua, khi tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng của bão số 2 và bão số 4 nên có hiện tượng mưa to và mưa rất to; tuy không xảy ra hiện tượng ngập lụt cục bộ nhưng hiện trạng ứ nước, chậm tiêu thoát nước mưa là có xảy ra.

TP Đồng Hới thất thủ, ngập lụt cục bộ trong tháng 10/2016

Thông tin trên báo Xây Dựng, nhìn nhận ban đầu, lý do TP Đồng Hới bị ngập sâu và lâu như vậy chính bởi thời điểm mưa lớn, kéo dài trùng với triều cường dâng và cửa sông Nhật Lệ nước dâng cao nên các tuyến kênh, mương thoát nước không tiêu thoát được.

Nhưng thực tế, qua thời gian, lòng cống thường xuyên bị bồi lắng, thu hẹp bởi đất đá, cát sỏi, lá cây trôi theo dòng nước; cộng thêm vào đó là lượng chất thải, rác thải của những hộ gia đình, người dân kém ý thức hàng ngày đổ xuống các mương, cống cũng khiến cho việc tiêu thoát nước kém.

Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống ngập lụt, khắc phục ô nhiễm môi trường, nạo vét khơi thông dòng chảy của các chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương được triển khai một cách hình thức, không theo quy chuẩn, dẫn tới gây ứ nghẽn dòng chảy. Mặt khác, khó khăn trong công tác chống ngập là hệ thống thoát nước của thành phố vừa vận hành vừa cải tạo nên ảnh hưởng đến hiệu quả thoát nước.

Đặc biệt, khi quy hoạch xây dựng các công trình, dự án ở phía hạ lưu cốt nền thường cao hơn phía thượng lưu nên gây ứ đọng nước, ngập lụt trên diện rộng ở nhiều khu vực. Bên cạnh đó, những năm qua, hoạt động san gạt đất nền tạo mặt bằng của một số dự án trên đồi cao cũng là tác nhân gây xói lở, sạt trượt đất đá, cát sỏi xuống các khu dân cư ở phía dưới.

Từ việc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng ở TP Đồng Hới, cũng như các đô thị trên địa bàn sau trận mưa lịch sử tháng 10/2016. Ngày 19/12/2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.

Trước hết, thành phố cần rà soát, đánh giá khả năng thoát nước của hệ thống hiện trạng và đề xuất các giải pháp chiến lược, lâu dài, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải theo quy hoạch, kế hoạch của lĩnh vực thoát nước. Khu vực ven biển Đông và khu vực trung tâm thành phố nên sử dụng thoát nước kết hợp với tỷ lệ thu gom phù hợp đối với từng khu vực.

Để giảm áp lực cho hệ thống thoát nước của thành phố, tại các khu vực có diện tích thoát nước lớn cần phải có giải pháp giảm lưu lượng. Chẳng hạn, khu vực sân bay cần khẩn trương khơi thông kênh rạch hiện trạng, nạo vét, mở rộng và bổ sung các hồ điều tiết để trữ, giảm lưu lượng cho hệ thống thoát nước thành phố.

Nhất Linh

   

Nhất Linh