Quảng Ninh: Hồ Yên Lập chạm mực nước chết
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:02, 18/07/2020
Hồ chứa nước Yên Lập- với trữ lượng thiết kế là 127 triệu m3 và cũng là hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ninh hiện đang cung cấp nước sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2020 cho 5.684 hecta đất nông nghiệp của 3 địa phương Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho 4 nhà máy nước, 1 Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường. Tổng lượng nước sử dụng từ hồ khoảng trên 8 triệu m3/tháng. Tính đến ngày 16/7/2020, mực nước tại hồ Yên Lập đang ở cao trình +16,83m, chỉ cách mực nước chết khoảng 5,2m, thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Dung tích hữu ích hồ chỉ còn khoảng 19,7 triệu mét khối. Nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất sẽ xảy ra nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng mục tiêu phục vụ nhu cầu cấp nước cho các nhà máy nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH 1TV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh sẽ điều chỉnh kế hoạch mở nước tiết kiệm trong tháng 7 và tháng 8, theo đó giảm số ngày mở nước từ 7 ngày xuống còn 5 ngày/đợt, lưu lượng mở từ 6 đến 7m3/s và ưu tiên nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt.
Hồ chứa nước Yên Lập đã cạn xuống gần chạm mực nước chết
Theo thời vụ, việc gieo cấy lúa mùa tại xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên đã được bắt đầu từ khoảng 10 ngày trước. Tuy nhiên thời điểm này, gần 500 ha ruộng cấy lúa và hoa màu của xã vẫn chưa có nước để làm đất, gieo cấy. Ông Đỗ Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Vị cho biết, bà con nông dân đang lo lắng cho vụ lúa mùa năm nay.
“Lịch mở nước là 7 ngày một đợt nhưng vì là xã cuối đảo nên khi nước xuống đến xã là ngày thứ 7, không đủ nước để ướt bề mặt chứ chưa nói đến thẩm thấu đất. Nếu không có mưa và nước không đều thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch và chất lượng sản xuất vụ mùa của xã” – ông Vui cho biết.
Nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nguồn nước tuyến kênh chính Yên Lập luôn trong tình trạng cạn kiệt. Đây là tuyến kênh dài gần 30km dẫn nước từ hồ Yên Lập đến các nhà máy nước sạch, đồng thời cung cấp nước tưới cho hơn 5.600 ha canh tác lúa, màu. Ông Phạm Ngọc Tuyên, Cụm trưởng phụ trách thủy nông số 3, khu vực Hà Bắc, thị xã Quảng Yên cho biết, năm 2016 đã từng xuất hiện đợt nắng nóng như thế này và cũng đúng vào vụ mùa nhưng sau đó có mưa ngay, tuy nhiên năm nay đã kéo dài hơn so với năm 2016.
“Để bảo đảm nguồn nước sản xuất về lâu dài, cần có sự vào cuộc của các địa phương và nông dân tổ chức nạo vét các mương để dòng chảy thông thoáng, thời gian đến mặt ruộng nhanh hơn thì cũng tiết kiệm nước hơn..” – ông Phạm Ngọc Tuyên cho biết.
Giám đốc Công ty TNHH 1TV Thủy Lợi Yên Lập Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Tùng tại cuộc họp đã đề nghị các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất vụ mùa phù hợp với tình trạng hạn hán hiện nay, làm đất, gieo trồng tập trung đồng loạt theo đúng kế hoạch, thực hiện tưới tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước. Nếu thời gian tới thời tiết vẫn không có mưa, mực nước hồ xuống dưới mực nước chết, Đồng thời, Công ty sẽ báo cáo UBND tỉnh có phương án khơi thông dòng chảy phía thượng lưu hồ Yên Lập và dùng máy bơm chống hạn bơm nước phục vụ sản xuất.
Minh Kiên