An ninh nguồn nước tại Việt Nam – Bài 2: Những nguy cơ tiềm ẩn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 06:34, 16/07/2020
Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ cạn kiệt vào mùa khô; nhiều con sông, đoạn sông đang “chết” dần vì ô nhiễm, cạn kiệt ở hạ lưu sông do các công trình thủy điện, thủy lợi trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm do khai thác quá mức, buông lỏng quản lý nhất.
Để bảo đảm sự bền vững về tài nguyên nước, mức khai thác không được vượt ngưỡng 30% nguồn nước, nhưng ở hầu hết các lưu vực sông ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 30 – 50% lượng dòng chảy. Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt là việc xây dựng các công trình hồ chứa thủy lợi, nhất là thủy điện kiểu đường dẫn, kiểu các công trình đập chặn hoàn toàn dòng chảy sông với việc quy hoạch, xây dựng và quản lý vận hành bất hợp lý cũng là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: sông Hồng, sông Đồng Nai – sông Sài Gòn, sông Vu Gia – sông Thu Bồn, sông Ba, sông Srepok… và trên nhiều sông vừa và nhỏ khác
Do tập quán, thói quen sản xuất, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước, lại thiếu các biện pháp hợp lý giữ, trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng dần trong mùa khô nên thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi, có khi trên phạm vi cả nước. Việc sử dụng nước thiếu quy hoạch, chưa hiệu quả, chưa hợp lý, chưa tiết kiệm trong khi nhu cầu dùng nước ngày một tăng nhanh do phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời, với việc xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm các nguồn nước càng làm giảm rõ rệt khả năng đáp ứng nhu cầu nước sạch vào mùa khô.
Nhiều người vẫn chưa nhận thức được vấn đề thiếu nước, khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng. Một kết quả điều tra xã hội học trong nhân dân sinh sống trên các lưu vực sông đã gây ngạc nhiên lớn bởi chỉ có 30% số người được hỏi tỏ ra bức xúc về tình trạng suy thoái sông ngòi, trong khi trên 30% số người được hỏi tỏ ra thờ ơ với thực trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặc dù tình trạng này thường xuyên tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống của họ.
Dầu thải chảy theo khe suối đến hồ Đầm Bài – nơi cấp nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà
Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang là chuyện “nhãn tiền” ở khắp nơi và ngày một nghiêm trọng, lan rộng hơn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sản xuất. “Thủ phạm” gây ô nhiễm chính là nguồn nước thải khổng lồ chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu không ngừng đổ vào các sông, hồ từ các đô thị, cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, từ khai thác khoáng sản…
Tăng trưởng nhanh dẫn đến gia tăng nhu cầu về nước, lại không chú ý đúng mức đến bảo vệ môi trường, xử lý nước thải (chỉ trong chục năm gần đây, lượng nước thải tăng lên gấp hơn 3 lần ở các khu đô thị, khu công nghiệp, song lại không được xử lý mà xả trực tiếp vào nguồn nước), chất thải các loại tạo nên các nguồn ô nhiễm lớn, thường xuyên, làm ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng các nguồn nước, làm cạn kiệt nguồn nước sạch.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân trực tiếp quan trọng gây suy giảm, cạn kiệt nguồn nước. Thực tế cho thấy, nước chịu tác động sớm nhất của biến đổi khí hậu. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ở Việt Nam mùa mưa và lượng mưa đang có xu hướng diễn biến thất thường nên hạn hán xảy ra thường xuyên và trên diện rộng hơn. Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước Việt Nam, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước kéo dài hơn, tồi tệ hơn, nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không còn khả năng tự làm sạch, khả năng chống chọi với thiên tai, trong đó có hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh về nước và phát triển xanh, bền vững. Thích ứng với biến đổi khí hậu trong quản lý tài nguyên nước là yêu cầu cấp bách hiện nay, nhưng việc triển khai lại chậm chạp, thiếu cụ thể, chưa tập trung vào những khâu chính, nội dung chính của nguồn nước và các yếu tố ảnh hưởng.
Hậu quả của suy giảm dòng chảy, thiếu nước là rất nghiêm trọng đối với con người, với tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và đời sống dòng sông; gia tăng nguy cơ kém bền vững trong tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Việc khai thác, sử dụng chưa hợp lý, thậm chí là khai thác quá mức lại chưa đi đôi với bảo vệ trong điều kiện kinh tế – xã hội phát triển mạnh đang làm nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, có nơi trở nên nghiêm trọng và đang có xu hướng ngày một nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng sâu sắc hơn đến đời sống và sản xuất. Sự suy giảm nguồn nước trở thành thách thức lớn trong bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, có tính hệ thống và thực hiện kiên trì trên toàn lưu vực sông với quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý suy giảm nguồn nước, khan hiếm nước.
Chúng ta chưa có một công cụ pháp lý với những chế tài đủ mạnh để bảo vệ và bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái ở nước ta. Luật tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 và nhiều văn bản khác đánh dấu sự thay đổi cơ bản về quản lý tài nguyên nước, nhưng tất cả đều chưa phát huy hiệu quả cụ thể trong thực tiễn.
Hạn hán, thiếu nước trong mùa khô xảy ra liên tục, tuy ở mức độ khác nhau trong chục năm gần đây, ngoài nguyên nhân do diễn biến tài nguyên nước theo tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu, còn do tác động trực tiếp của con người trên lưu vực. Nguồn nước trên các lưu vực sông nước ta từ năm 2006 đến nay đều ở mức trung bình hoặc thấp hơn trung bình năm, nhưng nhìn chung, vẫn có thể xem là đủ nước cho các nhu cầu kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, sinh thái. Song trong thực tế, nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu nước gay gắt, trong thời gian dài, có khi rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển.
Phá rừng cũng là nguyên nhân suy giảm tài nguyên nước
Tình trạng khan hiếm nước có nguyên nhân trước hết là do nạn phá rừng, hủy hoại vùng sinh thủy; chưa có biện pháp tích trữ nước trong mạng lưới sông ngòi, chưa tích đủ nước vào hệ thống công trình như thiết kế; phân phối nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng chưa hợp lý; nước chưa được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu; việc vận hành và quản lý tổng hợp các hồ chứa đa mục tiêu chưa được tuân thủ một cách nghiêm túc, thậm chí ở một số hồ, trong những thời kỳ dài, vi phạm nghiêm trọng việc vận hành bảo đảm nguồn nước tối thiểu cho hạ lưu, cho đời sống bình thường của dòng sông. Hạ lưu đa số các hồ chứa, thường cạn kiệt dòng chảy trong nhiều tháng liên tục vào cuối năm, thậm chí cạn kiệt chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Từ những dòng sông trù phú, nguồn nước dồi dào, tiềm tàng nhiều nguồn lợi đang rơi vào tình trạng cạn kiệt đến mức không thể khôi phục được. Trong điều kiện tài nguyên nước về các hồ, nhìn chung, ở mức bình thường hoặc thấp hơn bình thường không nhiều (14-15%) mà để xảy ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước ở hạ lưu các dòng sông có các công trình hồ chứa thủy điện (thấp hơn trung bình nhiều năm đến 50-70%, có khi “đứt” dòng chảy), chủ yếu là do việc quản lý vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Ðây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, cần được đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện để có giải pháp thích hợp.
Khai thác, sử dụng nước phải hiệu quả, tiết kiệm, đa mục tiêu, hài hòa các lợi ích trong bối cảnh nguồn nước suy giảm do biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang bị đe dọa, tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang ngày càng trầm trọng ở nhiều lưu vực sông.
An Nhiên